Nguy cơ đột tử ngày Tết, bác sĩ chỉ ra ba dấu hiệu cần nhớ
Trường hợp của ông L.M.H. (55 tuổi, quê Hậu Giang) bị đột quỵ khi đang bán hoa tết. |
Liên tiếp các ca xuất huyết não
Vợ chồng anh Phạm Hoàng Phương (37 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đi về Bến Tre mua chậu vạn thọ về bán dịp tết. Khi về TP.HCM để bán hoa Tết đi được nửa đường thì vợ anh Phương bất ngờ than mệt, đau đầu. Tưởng vợ đói bụng nên chồng yêu cầu tài xế tấp vào một quán ăn ven đường để ăn, nghỉ ngơi. Chỉ vài phút sau, cơn đau đầu dữ dội khiến vợ gục vào vai chồng. Những phút cuối cùng chị chỉ kịp bật lên tiếng thều thào: "Anh ơi cứu em".
Anh Phương hoảng hốt đưa vợ đến trạm xá gần nhất cấp cứu, sau đó chị được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tại đây, bác sĩ thông báo vợ anh Phương bị đột quỵ xuất huyết não. Các mạch máu đứt hết và không thể cứu được.
Trường hợp của ông L.M.H. (55 tuổi, quê Hậu Giang) cũng bị đột quỵ khi đang bán hoa ở TP.HCM. Ông H. mở 2 vựa bán hoa tại 709A Nguyễn Xiển, khu phố Long Hòa và một điểm khác tại ngã ba Mỹ Thạnh, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM.
Chiều ngày 19/1, ông H. đang bán hoa thì cảm thấy mệt nên lên võng nằm. Đến khuya khi về nhà trọ, ông H thấy đói nên ông xuống bếp cầm vội tô cơm rồi bước đến cạnh vợ ngồi, đang cầm thìa cơm chưa kịp đưa lên miệng bỗng nhiên gục xuống nằm bất động trên sàn nhà.
Vợ ông hốt hoảng kêu cứu, hàng xóm gần đó sợ đợi taxi không kịp liền lấy xe ba gác chở ông H. đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Bác sĩ chẩn đoán ông H. bị xuất huyết não không qua khỏi, đến 14h ngày 20/1 bệnh viện trả ông H. về.
Vợ và con gái cùng đưa ông H. về quê nhà Hậu Giang, trên đường về nằm trên chiếc xe cứu thương ông H. lịm dần và ra đi mãi mãi.
Hay như trường hợp của ông Đỗ Văn Đ. 61 tuổi, ngụ thái Thái Bình. Ông Đ. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, méo miệng, không nói được và liệt nửa người bên phải. Kết quả chụp CT scan não cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não giờ thứ 3. Ê-kíp can thiệp đột quỵ lập tức được huy động.
Ngay lập tức bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu sợi huyết điều trị nhưng kết quả không khả quan nên bác sĩ lại phải hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch để điều trị cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cảnh báo ngày Tết số ca đột quỵ tăng lên rất nhiều và nhiều trường hợp bị xuất huyết não rất nguy hiểm.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM số ca đột quỵ não ngày Tết có nguy cơ tăng lên cao do thói quen, sinh hoạt bị đảo lộn. Bác sĩ Nam cho biết những ngày Tết người dân đi lại nhiều, ăn uống không còn như ngày thường có người ăn quá nhiều,có người chỉ uống không ăn và đặc biệt những người bị bệnh mãn tính thì nguy cơ đột quỵ rất lớn.
PGS Nam cho biết đột quỵ có hai thể đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não là nguy hiểm nhất bởi vì triệu chứng rầm rộ và khả năng can thiệp cứu người bệnh khó hơn.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, PGS Nam cho biết đôi khi các triệu chứng đột quỵ rất khó nhận biết. Bệnh nhân đột quỵ có thể bị tổn thương não nghiêm trọng nếu mọi người xung quanh không nhận biết được các triệu chứng đột quỵ.
Chính vì thế, PGS Nam nhấn mạnh mọi người hãy đọc và nhớ ba bước gọi tắt là CNG (Cờ, Nờ, Gờ) bằng cách hỏi bệnh nhân 3 câu đơn giản sau:
C: Bảo người đó cười
N: Bảo người đó nói chuyện
G: Bảo người đó giơ hay tay lên cao qua đầu.
Nếu bệnh nhân gặp khó khăn với bất kỳ chữ nào trong số 3 điều đó, hãy gọi cấp cứu ngay và mô tả các triệu chứng cho người điều động cấp cứu.
PGS Nam cho biết khi có biểu hiện của cơn đột quỵ người bệnh cần được chuyển đến bệnh viện một cách nhanh nhất bởi thời gian vàng trong điều trị đột quỵ rất ngắn và nên nhớ càng sớm, càng tốt.
Những ngày Tết, PGS Nam khuyến cáo người dân không nên coi thường các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu. Những người bị bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp tuyệt đối không được quên uống thuốc, thường xuyên theo dõi sức khỏe của chính mình.