Người Việt đánh đổi sức khỏe để ăn Tết cho vui
Ảnh minh hoạ. |
Nỗi ám ảnh men gan
Anh Nguyễn Văn Toàn – trú tại Thanh Trì, Hà Nội vẫn không thể nào quên được sau Tết năm ngoái, anh cảm thấy người mệt mỏi nên đi kiểm tra sức khỏe tổng thể. Kết quả xét nghiệm máu tổng hợp men gan của anh tăng cao đột biến so với người bình thường lên tới 10 lần.
Tiền sử anh Toàn không có bệnh sử gì, không có viêm gan B, viêm gan C. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi thì anh công nhận là dịp năm mới hầu như ngày nào anh cũng uống phải lít rượu vì đi đâu cũng cụng chén, cũng chúc mừng nhau nên không thể không uống.
Các bác sĩ cho biết đây không phải là trường hợp hiếm mà hầu như sau Tết các quý ông đi bệnh viện kiểm tra ai cũng có chỉ số men gan tăng cao do trong những ngày Tết uống quá nhiều rượu.
Bác sĩ Trịnh Thị Ngọc – Bệnh viện Medlatec cho biết một nguyên nhân thường gặp là men gan tăng do tác dụng của rượu, bia, đặc biệt là rượu, trong đó nguy hiểm nhất là rượu tự pha, tự nấu do chất độc hại cho gan nhiều sẽ làm tế bào gan bị tổn thương nặng hoặc bị hủy hoại tế bào gan cho nên men gan cũng tăng lên một cách đáng kể.
Lượng men gan tăng trong máu người uống rượu tùy thuộc liều lượng rượu vào máu và chất lượng rượu. Lượng men gan trong máu do gan bị tổn thương bởi rượu thì loại AST thường tăng cao từ 2 - 10 lần trong khi đó lượng ALT tăng ít.
Với những người bị bệnh gan mãn tính thì ngày Tết trở thành nỗi lo sợ của họ. Người nhiễm vi rút viêm gan B tế bào gan vốn đã bị tổn thương nay kết hợp với yếu tố trên không những khó phục hồi mà còn nguy hiểm hơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Còn người bình thường những ngày Tết, mọi người thường không ăn ngủ theo nhịp sinh học, ăn uống vô tội vạ nhiều người còn bị suy nhược cơ thể, mà còn dẫn đến tình trạng phá hủy tế bào gan, tăng men gan. Nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan, thậm chí ung thư gan.
GGT và AP hay còn được gọi là men gan mật. Khi 2 chỉ số men gan này tăng có thể là biểu hiện của tắc mật hoặc viêm đường mật. Khi bị viêm hoặc tắc đường mật, men GGT và AP có thể bị tràn ra khiến chỉ số men gan tăng lên rõ rệt – gấp gần 10 lần giá trị bình thường.
Nồng độ AP bình thường vào khoảng 35-115 U/L, và nồng độ GGT bình thường vào khoảng 3-60 U/L. Một số trường hợp cụ thể khiến men GGT và AP tăng có thể kể đến như: Xơ gan mật, bệnh gan nhiễm mỡ ở người không nghiện rượu, viêm đường mật xơ hóa, bệnh gan do rượu, u gan, bệnh gan do thuốc…
Hạn chế bia rượu
Theo TS Vũ Trường Khanh – Bệnh viện Bạch Mai năm nào cũng vào dịp Tết khoa tiêu hóa lại dồn dập bệnh nhân cấp cứu vì bia rượu. Dù đã được cảnh báo nhưng người Việt vẫn cứ thích đánh đổi sức khỏe để ăn Tết cho thật vui.
Đối với người tăng men gan so với giới hạn bình thường thì cần tìm nguyên nhân trước và ở VN thì nguyên nhân hàng đầu phải kể đến là do virut viêm gan B và viêm gan C, ở VN viêm gan B chiếm 8% dân số (9 triệu người), viêm gan virut C: 2 triệu người. Đây là nguyên nhân phải loại trừ, một nguyên nhân nữa là sử dụng rượu, bia.
Trước đây chỉ có viêm gan virut B, C, bao giờ cũng chiếm trên 5%, nhưng bây giờ tỷ lệ do rượu hoặc do viêm gan virut B, C phối hợp với rượu tăng xấp xỉ 70% do rượu.
Đây là nhóm nguyên nhân để ý, trước đây có nguyên nhân chúng ta không để ý là tổn thương gan thoái hóa mỡ không do rượu gây viêm gan và lâu dần cũng gây viêm gan, xơ gan. Ba nhóm nguyên nhân này phải xác định hàng đầu và các nguyên nhân khác ít gặp hơn và chúng ta loại trừ sau. Dù là nguyên nhân nào thì tăng men gan không sử dụng rượu bia, dù vui trong dịp Tết cũng không được dùng rượu bia.
TS Khanh chia sẻ dù biết bia rượu không tốt với sức khỏe nhưng tâm lý của người Việt vẫn là Tết hết mình nên sau Tết có những người nhập viện trong tình trạng kiệt quệ về sức khỏe chỉ vì ăn tết.
Những người men gan tăng cần có chế độ ăn đễ hỗ trợ cho gan trong giai đoạn cấp thường có chế độ ăn có chất glucid tăng, chất đạm (đạm tốt dễ tiêu hóa), giảm mỡ, các món quay, rán... phải giảm để hỗ trợ cho men gan tăng, mỡ gan. Nên đến khám để điều trị hoặc dùng thêm thực phẩm chức năng cho người nhiễm mỡ gan.