Người từng bị tai biến có tiêm được vắc xin Covid-19?
“Phường có gửi danh sách mời mẹ tôi đi tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, nhưng với trường hợp có tiền sử đột quỵ như mẹ tôi thì có tiêm vắc xin Covid-19 được không?”, chị Trang băn khoăn.
Ảnh minh hoạ |
Chị Nguyễn Thu Trang cho biết, mẹ chị năm nay 61 tuổi, 5 năm trước mẹ chị bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), hiện tại tình hình sức khỏe ổn định, chỉ thỉnh thoảng bị đau nhức đầu, chóng mặt.
“Phường có gửi danh sách mời mẹ tôi đi tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nhưng với trường hợp có tiền sử đột quỵ như mẹ tôi thì có tiêm vắc xin Covid-19 được không?”, chị Trang băn khoăn.
TS. BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, người từng bị tai biến nhưng đã được điều trị ổn định, sức khoẻ thời điểm tiêm bình thường thì vẫn tiêm được.
Theo đó, đối với người có những bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não… nên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 khi tình trạng sức khỏe ổn định. Việc làm này giúp phòng ngừa diễn tiến bệnh Covid-19 nặng và giảm tử vong.
Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân từng đột quỵ não băn khoăn là họ đang sử dụng các thuốc chống đông (warfarin, rivaroxaban, dabigatran, apixaban) hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel…) thì có tiêm được vắc xin phòng Covid-19 không? Và nếu tiêm thì cần lưu ý gì?
Trả lời những băn khoăn này, PGS. TS. BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, theo thông tin từ cơ quan Chính phủ Anh cập nhật ngày 23/4/2021, hiện nay vắc xin được ưu tiên cho 10 nhóm người, trong đó nhóm ưu tiên thứ 6 dành cho những bệnh nhân độ tuổi 16 đến 65 tuổi có mắc các bệnh nền trong đó có đột quỵ não.
Như vậy, các bác sỹ cần lưu ý là những người sống sót sau đột quỵ, bất kể loại đột quỵ não nào bao gồm cả chảy máu dưới nhện đều thuộc nhóm 6 trong danh sách ưu tiên, và họ nên được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Huyết học Anh ngày 13/1/2021 (Covid-19 Vaccines in patients with haematological disorders: British Society for Haematology), lời khuyên trước đây của Public Health England về việc tiêm chủng bằng đường tiêm bắp vẫn tiếp tục được áp dụng.
Theo đó, bệnh nhân đang điều trị kháng đông với warfarin (INR mục tiêu 2.0 - 3.0) có thể tiêm bắp miễn là INR gần đây nhất dưới 3,0. Không cần kiểm tra INR thêm trước khi tiêm chủng.
Bệnh nhân đang điều trị duy trì bằng thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (rivaroxaban, dabigatran, apixaban), hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp liều điều trị hoặc fondaparinux có thể trì hoãn liều vào ngày tiêm chủng cho đến sau khi tiêm bắp vắc xin xong.
Bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu đơn (ví dụ, aspirin hoặc clopidogrel) có thể tiếp tục dùng những thuốc này mà không cần điều chỉnh.
Bệnh nhân được điều trị chống đông như Warfarin với INR mục tiêu > 3.0 hoặc liệu pháp tiểu cầu kép, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ điều trị trước khi quyết định tiêm vắc xin.
Đáng lưu ý, để giảm nguy cơ hình thành khối máu tụ trong cơ sau tiêm bắp, lưu ý sau khi tiêm vắc xin xong cần giữ chặt vào chỗ tiêm trong ít nhất 5 phút sau đó.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người đi tiêm nói chung và những người có bệnh lý nền nói riêng sau khi tiêm xong người tiêm cần ở lại để được theo dõi trong khoảng 30 phút – 1giờ sau khi tiêm vắc xin để đảm bảo không có bất kỳ phản ứng tức thời nào.
Một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm chủng bao gồm:
Đau nhức cánh tay ở vị trí tiêm
Sốt nhẹ, Mệt mỏi, Nhức đầu, Đau cơ hoặc khớp, Ớn lạnh, Tiêu chảy
Nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hơn một vài ngày, hoặc xuất hiện bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào khác, hãy liên hệ ngay với nơi tiêm chủng.
Đáng lưu ý, những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não nên tránh uống rượu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vì rượu có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước.
Uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.
Người đái tháo đường khi tiêm vắc xin Covid-19 cần lưu ý điều gì?
Người đái tháo đường (ĐTĐ) khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải thông báo cho bác sĩ khám sàng lọc về các thuốc đang uống nếu có như thuốc hạ đường huyết, hạ huyết áp, đặc biệt là thuốc chống đông máu…
H. Anh