Người thương binh bán hàng rong ham đọc sách Phật
Tiết kiệm cả 5.000 đồng tiền nước tắm
Ông là Nguyễn Duy Tuấn, 55 tuổi, nhà ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông vốn là thương binh hạng 3 ở chiến trường Campuchia, được hưởng lương dành cho thương binh mỗi tháng 2 triệu. Ở nhà ông làm thêm nghề muối nhưng cũng chỉ được vài tháng cao điểm là kiếm được một chút.
Nhưng bây giờ ông không đủ sức khỏe để nai lưng bên bờ biển, phơi mình dưới cái nắng quá khắc nghiệt ở miền biển quê nhà để kiếm lấy 200.000 đ/ngày làm muối nữa nên ông bỏ lên Hà Nội.
Ông bảo, với mức lương 2 triệu của ông cũng đủ để chi tiêu ở quê nhà nhưng từ ngày đứa con trai lên Hà Nội học ĐH Giao thông Vận tải, số tiền ấy còn không đủ cho con trai sống nên ông buộc phải lên Hà Nội kiếm việc làm để thêm thắt nuôi con.
Ông Tuấn cho xem mấy quyển sách Phật mà nhà chùa cho |
Ban đầu ông đi đánh giầy cùng bọn trẻ nhưng được vài hôm, lưng mỏi, gối chùn do ngồi nhiều, vết thương cũ ở chiến trường liên tục tái đi tái lại khiến sức khỏe của ông không ổn định. Ông bỏ nghề đánh giầy. Nhiều người thương ông bảo ông chuyển nghề sang buôn bán cũng được.
Ông theo họ 1-2 ngày thấy việc bưng bê những giỏ hàng không nặng lắm, lại không phải còng lưng đánh nên ông theo. Ngày ngày ông bắt xe buýt sang Gia Lâm lấy hàng, nào là bút kim, bật lửa rồi bắt đầu đi khắp nơi bán hàng.
Mỗi ngày ăn 10.000 xôi buổi sáng, ăn trưa 15.000 đồng. Buổi trưa ông thường về nhà và buổi chiều thường nghỉ luôn do không đủ sức chống chọi với cái nắng mùa hè. Ở nhà trọ nhưng ông cũng không dám bật quạt vì dùng quạt lại tốn thêm 5.000 đồng tiền điện.
Ông bảo ông ngủ trọ mỗi ngày 10.000 đồng, ngày nào tắm thì trả thêm 5.000 đồng nên có những hôm trời mát sớm, ông tranh thủ đi bán hàng, rồi lòng vòng qua các công viên vừa mong bán được thêm hàng, vừa đi cho ráo mồ hôi, về đỡ tốn 5.000 đồng tiền tắm giặt.
Tranh thủ đọc sách kinh phật…
Ông thuê trọ ở phố Huế, ngày nào cũng đi mòn gót các phố Nam Ngư, Lê Duẩn, Kim Liên, có nhiều lần đi lạc, ông lên tận Nguyễn Chí Thanh, lên đến nơi mới biết mình đi cách xa nhà cả chục cây số, ông lại lần mò đi bộ về nhà. Mỗi lần như thế về nhà là chân ông lại đau nhức.
Có nhiều người thấy thương dáng nhỏ thó của ông, không mua hàng mà cho ông tiền, ông không lấy vì ông bảo, ông không đi xin, họ mua gì thì ông bán, không thì thôi, ông cảm ơn và đi tiếp. Có nhiều người thấy ông khái tính, lấy chiếc bật lửa, coi như mua hàng và số còn lại khoảng 20.000 biếu ông uống cốc nước mía hay trà đá lúc nắng nóng.
Hỏi ông tại sao lại chọn bán bút bởi mặt hàng này rất kén người mua và nếu mua thì thường người ta vào cửa hàng văn phòng phẩm để mua. Ông trả lời, như một duyên số, ông được giới thiệu đến xưởng sản xuất của thương binh bên Gia Lâm, gặp những đồng đội cùng cảnh ngộ, ông toàn mua hàng của họ về bán, thế nên chỉ bán bút, bật lửa, tăm. Với lại, sức ông yếu, ông không ôm nhiều đồ được nên ông chọn những đồ nhẹ nhàng để bán, vừa sức mình, để còn có thể làm được lâu dài.
Rồi ông khoe chúng tôi cuốn sách về đạo phật mới được nhà chùa tặng. Ông bảo, thi thoảng ông lại ghé nhà chùa để thấy tâm mình an hơn. Mỗi lần ghé các sư ở chùa đều ra hỏi han, động viên và tặng ông sách về đọc. Kể từ ngày đọc thêm sách, ông thấy tính mình nhẹ nhàng hơn nên cứ rỗi là ông mở sách ra đọc.
Người đàn ông ấy đứng dậy nhẹ nhàng với đống hàng ít ỏi của mình. Tự nhiên chúng tôi có cảm giác, hình như với ông, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt này đã không còn khó khăn. Việc đi rong thêm thắt tiền cho con đi học cũng không phải là trở ngại quá lớn mà có phần còn là niềm vui với người đàn ông này khi thấy mình vẫn còn có thể lo cho con cái…