Người thất nghiệp tiếp tục tăng mạnh
Số người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp luôn đông nghẹt |
Số người thất nghiệp tăng vọt
Ông Lê Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân cho biết, liên tục trong mấy tháng gần đây, số người lao động đến nộp hồ sơ để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn trong tình trạng quá tải. Trong phòng làm việc luôn kẹt cứng người, thậm chí những lúc đông quá, họ phải tràn xuống đường để đứng. Trong khi, số lượng nhân viên giải quyết hồ sơ cho người lao động chỉ có 9 – 10 người nên làm không xuể. Có thể nói, số người đăng ký thất nghiệp ngày càng tăng vọt. Nếu như cả năm 2011, trung tâm chỉ tiếp nhận gần 21.000 người đăng ký thì từ đầu năm 2012 đến nay đã có hơn 30.000 người làm hồ sơ.
Tương tự, tại Trường Trung cấp nghề Thủ Đức, nơi đang đặt văn phòng đại diện Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM cũng rơi vào tình cảnh trên. Trung bình một ngày, trường tiếp nhận hơn mấy trăm lượt người xếp hàng, bốc số làm thủ tục đăng ký thất nghiệp. Ở quầy hướng dẫn, nhân viên liên tục phát hồ sơ, hướng dẫn người lao động điền thông tin.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, tính từ năm 2010 đến ngày 20/11/2012, đã có khoảng hơn 308.290 người lao động đăng ký thất nghiệp. Trong đó, có hơn 248.840 người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP và 53.910 người đăng ký thất nghiệp tại TP nhưng chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác. Dự báo, năm 2013, kinh tế trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi nên việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vì thế lượng người thất nghiệp dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2012. Ước tính năm 2013 sẽ có khoảng 150.000 người thất nghiệp.
Lo kiếm cơm trước mắt
Điều đáng nói, số người lao động tới xin hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ quan tâm đến số tiền được hưởng chứ không quan tâm đến việc đăng ký để được hỗ trợ học nghề tại các trung tâm giới thiệu việc làm.
Ông Tạ Quang Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủ Đức ngán ngẩm nói: “Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để thu hút người lao động đến đăng ký học nghề sau khi đăng ký thất nghiệp nhưng chẳng ăn thua. Phần lớn người lao động chỉ muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ không quan tâm đến việc học nghề ổn định sau này. Cứ 100 người đến làm bảo hiểm thất nghiệp thì may lắm mới có 1 người đăng ký học nghề”.
Lý do nhiều công nhân đưa ra là, phải lo kiếm cơm trước mắt còn học nghề không cần thiết. Chị Nguyễn Thị Út, từng là công nhân may trên địa bàn Q.Thủ Đức nay đã thất nghiệp nói tỉnh bơ: “Đi làm công nhân, tay nghề thấp, mức lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng nên khi mất việc chỉ mong chóng lấy được tiền trợ cấp thất nghiệp rồi đi tìm việc làm mới để có thu nhập trang trải cuộc sống. Mà có đi học nghề thì cũng chẳng được lợi ích gì, như mấy đứa bạn của tôi cũng tham gia học trong thời gian 6 tháng, học xong chỉ có bằng sơ cấp. Thực tế việc này không có tác động gì lớn để nâng cao trình độ của những lao động phổ thông như chúng tôi. Bởi vậy mà khi xin vào các công ty khác, lương cũng chẳng khá hơn lên so với khi chưa đi học”.
Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sau 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, số người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đông không kể siết, còn số người đến đăng ký học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2009 chỉ có 46 người đăng ký học nghề, năm 2011 chỉ có trên 30 người, đến năm 2012 vượt lên với hơn 1.500 người. Con số này cho thấy, Luật vẫn còn nhiều bất cập và xa rời thực tiễn khi chỉ hỗ trợ được người lao động bằng tiền chứ chưa giúp họ tái hòa nhập thị trường lao động.