Người phụ nữ Ấn Độ gan góc chống đối ông Donald Trump
Bà Smita Panvalkar, một người nội trợ, đã được báo chí miêu tả là người phụ nữ gan góc, dám chống lại nhà phát triển bất động sản hấp dẫn nhất thế giới Donald Trump và dự án đầu tiên của ông ở Ấn Độ.
Câu chuyện diễn ra vào năm 2011 khi ông trùm bất động sản hợp tác với một nhà phát triển bất động sản địa phương để tiến hành dự án xây dựng tòa nhà 65 tầng mang tên Trump Tower. Đây là dự án đầu tiên của ông Trump tại Ấn Độ với khoảng 50 căn hộ siêu sang trọng và các công trình cao cấp xung quanh đó.
Smita Panvalkar nấu cơm trong ánh nến vì căn nhà bị mất điện. |
Tại thành phố đảo nơi giá đất đang tụt dốc, hầu hết các dự án mới sẽ dễ dàng giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, dự án của ông Trump đã không có được may mắn như thế. Nó gặp trở lại đối với tòa nhà 4 tầng mang tên Pathare Prabhu mà bà Panvalkar đang sống cùng với chồng và con trai.
Gia đình Panvalkar đã sống ở đây từ năm 1990 và bà không muốn rời đi. Chồng bà Prasad Panvalkar kể lại: "Chúng tôi đang có một cuộc sống giản dị. Cuộc sống của chúng tôi chẳng có biến cố gì cho đến năm 2011".
Các nhà phát triển dự án cho biết sẽ bồi thường tiền để những người sống trong tòa nhà rời đi nhưng bà Smita từ chối và cho biết sẽ chỉ rời đi nếu được cấp một căn hộ trong tòa nhà sẽ được xây lên trên chính mảnh đất đó. Trong khi đó, đa số những người khác sống trong tòa nhà đã đồng ý chuyển đi.
Ông Donald Trump có thể chưa từng biết đến người phụ nữ quyết chống đối ông ở Mumbai. |
Thời điểm đó, báo chí địa phương đã đưa tin rất nhiều về bà với các tiêu đề như “Người phụ nữ không cho phép ông Donald Trump đến Mumbai”, “Người phụ nữ cản đường ông Trump đến Mumbai” hay miêu tả bà là “người phụ nữ gan góc, 54 tuổi, chặn giữa ông Donald Trump và dự án đầu tiên của ông ở Ấn Độ”, “nút thắt khó gỡ”….
Gia đình Panvalkar là những người cuối cùng còn sống trong tòa nhà mục nát. Các đường ống đều bị rò rỉ, bụi bẩn và bụi bao phủ khắp các cầu thang, ngóc ngách. Tháng 5/2011, một ngọn lửa nhỏ đã khiến nơi đây bị mất điện tới 45 ngày.
Ông Panvalkar kể lại: "Chúng tôi sống và ngủ trong căn hộ ẩm thấp, ngột ngạt và nóng bức”.
Ông kể, bà Smita phải rất vất vả để nấu nướng và làm việc nhà trong bóng tối. Hồi đó, bà Smita còn nói với báo chí rằng, bà không trữ được thuốc chữa tiểu đường vì không có điện chạy tủ lạnh.
Có những lúc, ông Panvalkar muốn buông xuôi, rời khỏi nhà nhưng vợ ông kiên quyết không đi. Cuối cùng, dự án mang tên ông Trump đã không thể hoàn thành ở đây mà phải di chuyển sang khu vực Upper Worli cạnh đó.
Tháng 4/2015, gia đình Panvalkar mới chuyển đi sau khi chấp thuận lời đề nghị được cung cấp một căn hộ ở tầng 12 trong một tòa nhà 22 tầng được xây trên chính mảnh đất đó theo một dự án khác.
Tháng 11/2015, bà Panvalkar đã qua đời sau một cơn đau tim nặng. Ông Panvalkar nói: "Bà ấy đã phải chịu đựng rất nhiều căng thẳng. Bà ấy vốn đã có bệnh tiểu đường và huyết áp cao".
Ông nói thêm: "Bà ấy là người phụ nữ ít nói nhưng rất quyết đoán. Bà ấy là một chiến binh. Tôi nhớ bà ấy rất nhiều".
Bà Smita Panvalkar là người đặt gia đình lên trên sự nghiệp. Bà đã từng học về ngành dệt may, đi làm tại các nhà máy dệt may. Sau đó, bà đi dạy học. Tuy vậy, cuối cùng bà bỏ việc để chăm sóc gia đình.
Ông Trump đã từng đến thăm Mumbai năm 2014 nhưng có thể ông chưa bao giờ biết đến bà Panvalkar, người đã chống đối dự án của ông đến cùng.