Người lao động Việt loay hoay với 'ngoại ngữ giao tiếp'
Thậm chí, dù có kinh nghiệm khá tốt ở một số vị trí chuyên môn nhưng họ vẫn không có cơ hội được xét tuyển vào làm. Một trong số những nguyên nhân đó chính là những rào cản từ việc yếu hoặc thiếu ngoại ngữ.
Chuyên môn cao không bằng ngoại ngữ giỏi
Trong xu hướng tất cả các công ty, nghành hàng đều có nhu cầu phát triển ra quốc tế thì việc tuyển dụng một nhân viên không có ngoại ngữ sẽ không phải là một lựa chọn tốt. Quốc Hùng - quản lý nhân sự tại một công ty khá nổi tiếng - cho biết: “Tôi đã từng từ chối khá nhiều các ứng viên có chuyên môn rất tốt chỉ vì vấn đề ngoại ngữ. Công ty tôi phần lớn làm việc với các đối tác nước ngoài nên việc giao tiếp bằng tiếng Anh là một điều bắt buộc. Tôi đành phải mất thêm nhiều thời gian để tuyển các bạn vừa có chuyên môn mà phải khá ngoại ngữ, và có đôi lần phải tuyển các bạn kém chuyên môn hơn một chút nhưng giỏi ngoại ngữ”. Một nhân viên tại đây chia sẻ: “Tại YANTV, tiếng Anh là ngôn ngữ mà chúng tôi phải sử dụng thường xuyên để giao tiếp với sếp và cộng sự. Không sử dụng được nó thì dù có giỏi đến đâu thì cũng sẽ mau chóng bị đào thải vì không thể kết nối được với mọi người xung quanh”.
Có thể nói, giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ sẽ dễ dàng mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các tân sinh viên cũng như những người đang tìm kiếm một việc làm có chất lượng, nhất là tiếng Anh. Đa phần các sinh viên cho biết, việc học ngoại ngữ để lấy tín chỉ tại đại học chỉ có tính hình thức. Sinh viên ráng làm bài để qua được chứ ít khi học và ứng dụng vào thực tế. Việc học Anh văn tại cấp đại học gần như không phát huy được hết hiệu quả lẽ ra phải có.
Muôn hình vạn trạng “giáo viên bản xứ”
Nhưng ngay tại các trung tâm đào tạo Anh ngữ cũng có đầy rẫy các vấn đề như tại các trường đại học. Nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của sinh viên và cả giới công chức đi làm, các trung tâm đua nhau mọc lên như nấm sau mưa và tìm mọi cách để lôi kéo học viên. Đứng trước ma trận các trường dạy ngoại ngữ, không ít người dễ dàng rơi vào những cái bẫy tinh vi do họ đặt ra.
Lướt qua một loạt các nơi, có thể thấy đa phần đều tập trung quảng cáo vào 2 yếu tố: giá cả và giáo viên bản xứ. Chỉ vậy thôi nhưng sự chênh lệch giữa các trung tâm là một trời một vực. Có nơi chỉ mất vài triệu cho một khóa học 3 tháng nhưng con số này cũng có thể đội lên tới hàng chục triệu đồng ở một số nơi khác. Nếu như ở một vài trung tâm có chất lượng đã được xác định thì với các trường có quy mô nhỏ hơn thì yếu tố này rất khó đảm bảo. Minh Tâm - trưởng phòng một công ty điện tử - chia sẻ: “Do công ty ngày càng giao tiếp nhiều với đối tác nước ngoài mà tôi không thể lúc nào cũng được sử dụng phiên dịch viên nên tôi tranh thủ quãng thời gian buổi tối để học thêm Anh văn giao tiếp. Ngày đăng ký, tôi được nhân viên của trung tâm hướng dẫn rất kỹ càng và rất an tâm. Nhưng khi vào học được 1 tuần, khi tới giờ học cùng giáo viên bản xứ, không chỉ tôi mà cả lớp đều rất bất ngờ khi gặp cô giáo đến từ Úc. Không dấu diếm, giáo viên này cho biết, cô đi du lịch tại Việt Nam nhưng bị hết tiền ngoài ý muốn mà thời gian ở lại còn dài nên đi dạy thêm tiếng Anh để kiếm thu nhập”.
Chính vì thế, việc học ngoại ngữ trong tình trạng “loạn” các trung tâm như hiện giờ là một quyết định mang đầy tính may rủi của người học. May mắn thì có thể trau dồi khả năng đáng kế, còn ngược lại thì xem như của đi thay người. Vì các trung tâm bao giờ cũng có một “luật” rất quan trọng: chỉ có thể đóng tiền vào và không bao giờ có thể rút ra nếu không hài lòng. Thậm chí nếu có thì quá trình lấy lại tiền cũng là một hành trình đầy gian nan không kém.
Tư liệu: VDC