Người Hà Nội sẽ thu nhập 87 triệu đồng/năm?
Nghị quyết đề ra mục tiêu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015. Thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng, chống tham nhũng.
Về các chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết đề ra mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 8,5-9% (theo cách tính mới); trong đó, dịch vụ tăng từ 7,3-8%, công nghiệp – xây dựng tăng 10-10,5%, nông nghiệp tăng từ 3,5-4%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 85-87 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt từ 11-12%; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 7-8%.
Theo Nghị quyết, trong năm 2016, dân số thành thị dùng nước sạch 100%; Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh 100%; trong đó, nước sạch 38%. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 22 xã. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt thu gom và vận chuyển trong ngày khu đô thị 98%, khu vực nông thôn 87%...
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. |
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, trọng tâm là cải cách trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư.
Tăng cường xúc tiến đầu tư, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, không để phát sinh nợ. Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thu hút vốn đầu tư FDI vào quản lý sau cấp giấy phép chứng nhận đầu tư. Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Rà soát quy hoạch, xây dựng danh mục các dự án đầu tư Trung tâm thương mại, chợ đầu mối giai đoạn 2016-2020; đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình bình ổn giá, đưa hàng về vùng xa trung tâm, khu vực nông thôn, khu vực công nghiệp.
Tập trung triển khai các tuyến đường sắt đô thị
Với lĩnh vực giao thông, đô thị Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, tập trung triển khai các công trình giao thông. Tập trung triển khai tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai các tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành và đưa vào vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông, nút giao cầu Thanh Trì.
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị, nhất là đảm bảo trật tự, kỷ cương an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông; chương trình giảm ùn tắc giao thông, xây dựng các cầu vượt và cải tạo, xây dựng lại các cầu yếu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và giấy phép xây dựng. Thực hiện có hiệu quả việc khai thác, sử dụng hồ nước, công viên, vườn hoa, cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Mở rộng và nâng cao chất lượng xã hội hóa các dịch vụ đô thị.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao cấp đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các dự án sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2010-2020; phát triển nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu các đối tượng thu nhập thấp; rà soát chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội…
Tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương
Đối với công tác phòng chống tham nhũng và giải quyết tố cáo khiếu nại, Nghị quyết đặt ra mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục chọn năm 2016 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Rà soát chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các Luật và Nghị định mới ban hành.
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; hạn chế thấp nhất các đoàn khiếu kiện, khiếu nại đông người…