Người đàn ông Mông 24 năm vượt suối, băng rừng bảo vệ cột mốc biên giới
Từ nhỏ đã theo chân cha vượt suối băng rừng bảo vệ cột mốc, coi cột mốc quốc gia như trái tim mình, suốt 24 năm qua, ông Chá Văn Cụa (người dân tộc Mông ở Thanh Hóa) đã đi mòn chân dọc đường biên
Sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, ông Chá Văn Cụa - một người Mông ở Thanh Hóa đã có 24 năm tình nguyện tham gia bảo vệ cột mốc nơi biên cương.
Đã 24 năm qua ông Chá Văn Cụa tự nguyện bảo vệ cột mốc nơi biên cương. |
24 năm bảo vệ cột mốc biên cương
Đến bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) hỏi thăm ông Chá Văn Cụa (SN 1970) không ai là không biết. Hàng chục năm qua ông là người tình nguyện cùng với cơ quan chức năng tham gia bảo vệ cột mốc vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Nhấp ngụm nước ấm, ông Cụa kể, năm 1993, bố ông - cụ Chá Nọ Dính (SN 1933) là già làng có uy tín tự nguyện xung phong đảm nhận việc bảo vệ cột mốc G11 (nay là cột mốc 320 biên giới Việt Nam - Lào) giáp với bản Hin Đăm, cụm Na Ngài, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Để bảo vệ cột mốc nơi biên cương, ông Cụa phải băng rừng, vượt suối, đi bộ nhiều cây số. |
“Khi đó, mỗi lần bố tôi đi kiểm tra cột mốc thường gọi tôi cùng đi kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường gì trên cột mốc không, đồng thời phát quang khu vực quanh cột mốc. Hồi ấy đường đi lại khó khăn lắm. Phải băng rừng, vượt suối, đi bộ nhiều giờ bằng con đường mòn nhỏ mới đến được đỉnh đồi nơi đặt cột mốc. Nhiều hôm trời mưa đường trơn trượt, trời tối nhưng không vì thế mà tôi cùng bố quên nhiệm vụ thăm cột mốc”, ông Cụa nhớ lại.
Đến năm 1996, do tuổi cao, sức yếu, không thể trèo đèo, lội suối lên thăm cột mốc được nên cụ Dính đã giao lại việc bảo vệ cột mốc cho ông Cụa. Kể từ đó, đã 24 năm trôi qua, ông Cụa tiếp nối truyền thống của cha mình trong việc bảo vệ cột mốc nơi biên cương.
“Được bảo vệ cột mốc biên giới là một nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng mong muốn bảo vệ từng tấc đất của nước nhà, và tôi cũng là một trong những người đó. Tôi cũng luôn nói với bà con dân bản về việc phải bảo vệ cột mốc nơi biên giới vì mốc còn thì người còn”, ông Cụa nói.
Ông Cua trân trọng cột mốc như con tim của mình. |
Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Mèo cho biết: “Ông Cụa là một trong những người có uy tín của địa phương, am hiểu chính sách, pháp luật. Ông như một người anh em của bộ đội biên phòng và là người điển hình tiên tiến của đồng bào Mông nơi biên giới. Nhiều năm qua, ông cùng cơ quan chức năng phối hợp bảo vệ đường biên, cột mốc.
Cột mốc là trái tim của mình
PV theo chân ông Cụa lên kiểm tra cột mốc, ông Cụa chuẩn bị cho mình những vật dụng như nước uống, dao, giầy leo núi, đồ dùng cá nhân... Ông thoăn thoắt băng qua nhiều cây số đường rừng với những con dốc cao vút, lội qua nhiều con suối mới đến được đỉnh đồi nơi đặt cột mốc biên giới.
PV Infonet theo chân ông Cụa lên cột mốc vùng biên Việt - Lào. |
Vừa đi, ông Cụa vừa nói: “Ngay từ khi cùng cha tham gia bảo vệ cột mốc, tôi đã xem cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc chính là trái tim của mình. Khi lên thăm mốc có dấu hiệu gì bất thường xung quanh thì tôi sẽ báo cáo ngay cho lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương để cùng phối hợp với nước bạn Lào xử lý”.
24 năm nhận nhiệm vụ bảo vệ cột mốc, đường biên, ông Cụa được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về việc bảo vệ an ninh biên giới. |
Với người đàn ông này, hành trình băng rừng, vượt suối đến thăm cột mốc, kiểm tra, phát quang cây cỏ, dọn dẹp sạch sẽ rồi mới yên tâm ra về là công việc còn sống ngày nào, còn sức khỏe là còn đi.
“Dù nắng hay mưa, cứ đến ngày tôi lại lên thăm cột mốc vì sợ kẻ thù lợi dụng mưa gió để phá hoại cột mốc. Nhiều lần tôi lên cột mốc cũng cho con trai đi cùng với mong muốn sau này về già tôi cũng sẽ truyền lại việc bảo vệ cột mốc cho con mình giống như cha tôi đã từng làm”, ông Cụa tâm sự.
Trần Nghị