Người đàn ông lê gối, bế con riêng đi cầu hôn
Đôi chân co quắp, cánh tay teo nhỏ, anh Dương Văn Tằm, sinh năm 1956, ở xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến, Phổ Yên (Thái Nguyên) đã sống những tháng ngày tuyệt vọng khi bị người vợ trẻ bỏ đi đúng lúc đang bệnh nặng. Nhưng rồi hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười với anh.
Anh Tằm đang có một mái ấm gia đình hạnh phúc. |
Trong ngôi nhà nhỏ, anh Tằm kể lại cuộc đời mình: “Bố mẹ tôi mất sớm, anh em họ hàng thì cũng nghèo khó không giúp được gì ngoài việc dựng cho tôi một túp lều nhỏ ở chân núi. Cơ thể tật nguyền, mỗi khi trái gió trở trời tôi lại bị đau buốt. Có những ngày lê đi khiến hai đầu gối thâm tím, rỉ máu, đau đớn vô cùng, chỉ muốn chết đi cho xong.
Nhưng rồi nhiều đêm tôi trăn trở, tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực để được sống. Kể từ đó ngày ngày tôi lê hai đầu gối mình đi quãng đường hơn 10 km để đến xưởng gỗ của người quen làm con tiện gỗ. Được đi làm, kiếm đủ miếng ăn, còn có tiền dư dật, tôi mơ ước mình sẽ xây được một ngôi nhà, có một mái ấm gia đình có vợ, có con”.
"Hạnh phúc đến với tôi tưởng chừng không có gì lớn bằng vào năm 2008, người con gái tên Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1990, hoàn cảnh bố mẹ mất sớm, sống với họ hàng đã đồng ý về làm vợ của tôi. Chúng tôi chung sống với nhau có 1 mặt con là cháu Dương Văn Trường. Nhưng rồi vì không chịu được cuộc sống khổ cực với người chồng như tôi, năm 2011 cô ấy theo người ta sang Trung Quốc bỏ lại 2 bố con. Tôi đau đớn suy sụp, niềm an ủi lớn nhất tôi có được khi đó là cậu con trai 2 tuổi” - anh Tằm nhớ lại. Quay sang nhìn người vợ mới bên cạnh, anh Tằm vẻ mặt rạng ngời: “Giờ thì hạnh phúc của bố con tôi lại được sưởi ấm bằng trái tim hồng rồi”. Đó chính là chị Lê Thị Tám, 38 tuổi, người vợ dám bỏ qua những khiếm khuyết về cơ thể để đến với anh.
Chị Tám tâm sự: “Có nhiều người đàn ông trong thôn và nơi khác đến tìm hiểu muốn lấy tôi nhưng tôi không ưng ý ai cả. Nào ngờ đến một buổi trưa, người đàn ông lê đi từng bước bằng đầu gối cùng cậu con trai bé bỏng đến nhà xin hỏi vợ, chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu đồng ý, giống như tình yêu sét đánh vậy”.
Chị Tám yêu thương chăm sóc cháu Trường như con đẻ của mình. |
"Anh bị liệt hai chân, đi lại rất khó khăn nên khi có việc gì nặng nhọc tôi thường làm thay anh. Hàng ngày tôi đi phụ hồ kiếm tiền, đến bữa về nhà nấu cơm cho chồng cho con. Đã đến với nhau tôi chỉ mong sao chăm sóc cho chồng, cho con được khỏe mạnh" - chị Tám chia sẻ.
Anh Tằm lâng lâng trong hạnh phúc: “Cũng chẳng ai tin nổi là trong thời gian như thế mà giữa chúng tôi lại có tình yêu, thực tình cũng do số phận đưa đẩy, duyên trời sắp đặt. Tôi thấy hạnh phúc vì giờ đây mỗi khi rời xưởng tiện về, đi tắm được vợ lấy từng chậu nước, bộ quần áo. Hễ khi ở nhà được nghe tiếng vợ, tiếng con, mọi mệt nhọc dường như tan biến hết".
Theo Kiến Thức