Người dân Khánh Hòa 'nườm nượp' đi viện: Thủ phạm là gì?
Giun chó mèo tấn công lên mắt. |
Một nữ bệnh nhân 34 tuổi có biểu hiện nhìn mờ 2 mắt được chẩn đoán ban đầu là viêm màng bồ đào, điều trị thuốc kháng vi rút nhưng thị lực cải thiện chậm, sau đó thị lực giảm đột ngột còn 2/10, đau và đỏ mắt. Xét nghiệm ELISA Toxocara dương tính, các xét nghiệm khác cũng được tiến hành để loại trừ các nguyên nhân khác.
Trước đó, bệnh viện này cũng từng tiếp nhận ca bị biến chứng nhiễm giun chó mèo di trú lên não gây viêm não. Đa số bệnh nhân đều có thói quen ăn uống các loại rau sống ở quanh vùng và có người nhà nuôi cả chó mèo. Với tình trạng bệnh nhân mắc nhiều như hiện nay, các bác sĩ cho rằng nếu không có biện pháp phòng ngừa bệnh sẽ rất nguy hiểm.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề – nguyên trưởng Bộ môn Ký Sinh trùng – trường Đại học Y Hà Nội sán giun chó mèo có tên là Toxocara app. Đây là loại ký sinh trùng hình ống dài giống như giun đũa ở người, nhưng nhỏ hơn. Không chỉ chó, mèo thả rông mà cả chó, mèo cảnh đã được tắm rửa sạch sẽ cũng không loại trừ các loại ký sinh trùng gây bệnh.
Với một số trường hợp nuôi chó mèo và không quản lý được phân chó, phân mèo trứng giun đũa chó mèo bám vào rau sống nếu con người ăn phải rau sống có dính trứng giun đũa chó mèo sẽ nhiễm bệnh.
Một số trường hợp trẻ không ăn rau sống vẫn mắc giun chó mèo, theo giáo sư Đề trứng giun có trong phân chó, mèo và bị dính trên lông. Nếu con người vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể. Ở trẻ nhỏ tỷ lệ nhiễm giun chó mèo cũng rất nhiều. Ví dụ theo một thống kê tại Mỹ mỗi năm có ít nhất 70 người (chủ yếu là trẻ em) bị mù do bệnh này.
Sau khi ăn phải rau sống có chứa ấu trùng Toxocara spp. Ấu trùng này sẽ đi vào cơ thể, xuyên thành niêm mạc ruột đến các cơ quan gan, phổi, não, tim, cơ xương, mắt thông qua cơ chế cơ học và sự tham gia của các enzyme protease. Các ấu trùng di chuyển sẽ bị ngăn chặn hoặc ảnh hưởng bởi đáp ứng miễn dịch dẫn đến phản ứng viêm tại chỗ, tăng bạch cầu ái toan. Nhiều trường hợp có các biểu hiện khác nhau như người bệnh ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó tiêu, đau nhức mỏi, tê bì, sốt, thở khò khè;
Ngoài ra, người bệnh có thể kèm một hoặc các triệu chứng sau: gan to, viêm phổi, đau bụng mạn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.
Trong các biến chứng của giun chó mèo thì biến chứng thần kinh là nguy hiểm nhất. Theo GS Đề một trong những thể bệnh đặc biệt của ấu trùng di chuyển nội tạng, thường gặp bệnh nhân ở tuổi trung niên. Bệnh nhân thường có các triệu chứng liên quan hệ thần kinh như rối loạn giấc ngủ, yếu cơ, yếu chi, suy nhược cơ, rối loạn tiểu - đại tiện, kèm tổn thương dạng nốt ở não. Người bệnh có thể xác định được bệnh trên phim chụp CT scan hay MRI, kèm theo xét nghiệm ELISA dương tính.
Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương hiếm gặp hơn, nhưng có thể gây các biến chứng trầm trọng và hậu quả là bệnh nhân bị yếu cơ, rối loạn cảm giác, co giật, động kinh, hôn mê.
Để phòng bệnh này, giáo sư Đề cảnh báo cần tẩy giun, sán cho chó mèo theo định kỳ. Nếu nhà nuôi chó cần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.
Quản lý phân chó, mèo tốt, có thể chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
Đặc biệt, giáo sư Đề cho rằng không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân, khi tiếp xúc với chó, mèo cần rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.