Người dân Đà Nẵng góp ý về việc đón khách Trung Quốc
Người dân góp ý...
Trước đó, ngày 8/7, ở mục Góp ý của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng xuất hiện góp ý của một người dân (không ghi rõ tên) ở phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) về việc “hiện nay du khách Trung Quốc có những hành vi không hay đối với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng”. Trước tình hình đó, người dân này đưa ra 4 đề xuất.
![]() |
Khách Trung Quốc đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Thứ nhất là tại các sân bay, bến cảng, chợ hoặc những nơi khách Trung Quốc hay lui tới, nên làm các pano lớn (giống các bảng quảng cáo ngoài trời) ghi bằng 3 thứ tiếng Anh, Trung, Việt với nội dung đề xuất: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Các bảng quảng cáo ở đường Trần Hưng Đạo (dọc bờ Đông sông Hàn), sân bay, chợ Cồn, chợ Hàn, siêu thị.... nên giảm bớt quảng cáo của doanh nghiệp để đưa vào nội dung này.
Thứ hai là các đơn vị lữ hành phải nói cho khách Trung Quốc biết khi thanh toán hoặc giao dịch mua bán trên đất Việt Nam thì chỉ bằng tiền Việt Nam chứ không dùng đồng Nhân dân tệ. Do đó họ bắt buộc phải đổi tiền Trung Quốc sang tiền Việt Nam và ngành du lịch nên bố trí nhiều quầy cho khách Trung Quốc đổi tiền.
Thứ ba là nên chọn một số nhà hàng chỉ dành cho người Trung Quốc để dễ quản lý. Ngành du lịch nên bắt buộc các công ty lữ hành và lái xe chỉ đưa khách Trung Quốc đến các nhà hàng theo quy định, không nên cho khách Trung Quốc ăn chung với người Việt và du khách các nước khác (giống như khi đi du lịch Thái Lan và Campuchia thì hướng dẫn viên là người sở tại và chỉ đưa du khách đến những nơi nhà nước họ quy định dành cho người Việt Nam). Phạt thật nặng những đơn vị, cá nhân vi phạm
Thứ tư, người dân này cho biết, mình thường xuyên xem ti vi và mục dự báo thời tiết của VTV8, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng. Từ đó, người dân này đề nghị các Đài này nên nói rõ thêm hoặc chạy chữ phía dưới, ghi rõ: Khu vực Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng, khu vực Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam để mọi dân khi xem TV đều nắm rõ.
Và phản hồi của Sở Du lịch Đà Nẵng
Ngày 27/7, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết đã có phản hồi trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP, trân trọng cảm ơn những góp ý của công dân về đế xuất ý tưởng phát triển du lịch TP Đà Nẵng, đồng thời trả lời các ý kiến góp ý nêu trên của công dân.
Theo đó, đối với nội dung lắp bảng quảng cáo ngoài trời, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay các bảng quảng cáo thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quản lý cấp phép hoạt động. Về vấn đề này Trung tâm Thông tin dịch vụ công sẽ chuyển Sở VH-TT là đơn vị quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trả lời để có đề xuất và hướng giải quyết cụ thể. Sau khi có kết quả sẽ phản hồi để người dân được rõ.
Đối với nội dung không sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch tại Việt Nam, Sở Du lịch Đà Nẵng nêu rõ, theo quy định, khách du lịch quốc tế phải đổi ngoại tệ để sử dụng tại Việt Nam. Do đó việc thanh toán hoặc giao dịch mua bán chỉ được phép sử dụng tiền Việt Nam đồng. Vấn đề này, Sở Du lịch sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP hướng dẫn khách thực hiện đúng quy định pháp luật.
Đối với dịch vụ đổi ngoại tệ, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, Sở xin được tiếp thu góp ý của công dân và sẽ tham mưu văn bản trình UBND TP kiến nghị đến hệ thống Ngân hàng nghiên cứu xem xét.
Đối với nội dung thứ ba là quy hoạch mạng lưới nhà hàng phục vụ khách Trung Quốc, Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, trong những năm gần đây, lượng khách Trung Quốc đứng đầu trong top 10 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng, đã góp phần lớn tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Đối với từng thị trường khách sẽ có đặc tính riêng. Việc phân loại dịch vụ như nhà hàng, khách sạn hay dịch vụ công cộng để phục vụ cho riêng một thị trường khách là một gợi ý hay. Tuy vậy, hiện nay cơ sở hạ tầng của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ riêng biệt như vậy. Nhằm yêu cầu du khách ứng xử có văn hóa văn minh tại điểm đến, Sở Du lịch đã xây dựng và đưa vào sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử du lịch. Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến du khách để thực hiện tốt nội dung tại Bộ Quy tắc này.
Đồng thời Sở Du lịch Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: “Việc không cho người Việt và các du khách khác ăn chung với khách Trung Quốc là không công bằng và dễ gây ra hiện tượng bài xích, không đúng với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo TP!”.
Đối với nội dung thứ tư về việc cho chạy các thông tin về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên chương trình dự báo thời tiết của VTV8 và DRT, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết trong thời gian qua cũng đã có văn bản gửi đến doanh nghiệp du lịch để sử dụng chuẩn cụm từ khi quảng bá giới thiệu trong các loại ấn phẩm, website cho du khách trong và ngoài nước tham gia chương trình du lịch.
“Điều này không những cung cấp thông tin chính xác về vùng bờ biển của TP Đà Nẵng mà còn thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Về nội dung góp ý của công dân, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi VTV8 và DRT có hướng đề xuất!” – Sở Du lịch Đà Nẵng nêu rõ trong phản hồi ý kiến của công dân.
Sứa làm ảnh hưởng không nhỏ đến... ngành du lịch Đà Nẵng!
Ngày 27/7, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã có phản hồi đối với ý kiến phản ánh của người dân và du khách về việc biển Đà Nẵng xuất hiện nhiều sứa, gây ngứa cho khách tắm biển
Trước đó, ngày 22/7, ở mục Góp ý của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng xuất hiện phản ánh của một người dân tên Huỳnh Bửu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), trong đó nêu: “Trời chuyển mưa ở đâu trong vùng thì biển Đà Nẵng mình cũng bắt đầu có sứa. Tôi là người tắm biển thường xuyên, bị cắn quen rồi mà còn bị ngứa mê mẩn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khách du lịch đến tắm biển tại Đà Nẵng!”.
Từ đó, người dân tên Huỳnh Bửu đề xuất Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức cho lực lượng cứu hộ khi chèo thuyền thúng ra biển làm nhiệm vụ thì cũng tranh thủ vớt sứa. “Biển vừa trong sạch mà các anh cũng có thêm thu nhập!” – người dân tên Huỳnh Bứu viết trong phản ảnh của mình.
Trong phản hồi đối với ý kiến này của người dân, Sở Du lịch Đà Nẵng ghi nhận: “Thời gian qua, do thời tiết chuyển mùa nên sứa biển sinh sôi, tấp vào bờ rất nhiều, đốt và gây ngứa, làm giảm đáng kể lượng khách du lịch tham quan và tắm biển, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của TP!”.
Do vậy, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết trước mắt đã huy động lực lượng cứu hộ bơi thuyền thúng vớt sứa, thu gom để chôn nhắm giải thiểu tình trạng trên. “Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có giải pháp giăng lưới để ngăn sứa thâm nhập vào khu vực người dân và du khách tắm biển!” – Sở Du lịch Đà Nẵng phản hồi ý kiến của người dân.