Người chiến thắng, kẻ thua cuộc trong vụ “ly hôn” giữa Anh và EU
Dưới đây là những “người giành chiến thắng” và những “kẻ thua cuộc” trong cuộc trưng cầu dân ý đi hay ở của Anh vừa kết thúc sáng nay (24/6):
Phe giành chiến thắng
Con người
Boris Johnson và Michael Gove: họ đều là những gương mặt nổi bật trong chiến dịch vận động Anh rời khỏi EU. Cựu Thị trưởng London và Bộ trưởng Tư pháp Anh giờ đây sẽ trở thành anh hùng của đảng Bảo thủ, những chính trị gia đặc biệt bài EU và luôn cho rằng Thủ tướng David Cameron nên từ chức. Trong cuộc đua tìm lãnh đạo mới sắp tới, có thể 2/3 nghị sĩ đảng sẽ ủng hộ ông Boris hoặc Gove. Đây cũng là chiến thắng giành cho lãnh đạo Đảng Độc lập Nigel Farage, người không nằm trong chiến dịch vận động rời đi chính thức nhưng đã đề xuất sự tác biệt này từ 1/4 thế kỷ trước.
Ông Boris Johnson trong cuộc vận động bỏ phiếu Anh rời khỏi EU. |
Marine Le Pen và Vladimir Putin: lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc Pháp đã thể hiện sự ủng hộ Brexit ngay từ đầu và hy vọng Anh sẽ “ly hôn” thành công với EU. Sau chiến thắng này, có thể những người có tư tưởng giống bà ở Đức, Hà Lan, Bỉ và Italy cũng sẽ được khích lệ. Tổng thống Nga Putin có lẽ cũng hài lòng với kết quả trên. Một Liên minh châu Âu bị chia rẽ, rối bời sẽ khó có thể tập trung vào việc đưa ra các lệnh trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine hay xây dựng một chính sách năng lượng chung để giảm sức ảnh hưởng của Moscow trên các thị trường gas.
Giới luật sư: việc gắn liền với EU trong bốn thập kỷ qua như đàm phán một mối quan hệ mới với các thành viên trong khối và các thỏa thuận thương mại với phần còn lại của thế giới chỉ mang lại một thứ duy nhất, đó là luật sư phí. Những luật sư với kinh nghiệm về các hiệp ước quốc tế sẽ là nhu cầu lớn cho London trong thời gian tới đây bởi thực tế Anh chưa bao giờ tự mình đàm phán một hiệp định thương mại từ hàng thập kỷ nay.
Bà Marine Le Pen. |
Kinh tế
Những người không thích các quy định: trong khi hầu hết các công ty lớn đều phản đối Brexit thì một số ít lại cho rằng họ sẽ được hưởng lợi thông qua các quy định “nhẹ” hơn, do đó sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Người sáng lập JD Wetherspoon Plc, Tim Martin đã thể hiện quan điểm chống EU và IMF của mình tại một số quán rượu mà ông sở hữu. David Ross, ông chủ tập đoàn Carphone Warehouse Group Plc, cũng gia nhập nhóm ủng hộ Anh rời EU vì cho rằng các luật lệ của liên minh này gây tổn thất cho những doanh nghiệp nhỏ.
Thị trường
Vàng và những nơi trú ẩn an toàn khác: các nhà đầu tư đang tìm kiếm những tài khoản an toàn hơn mà họ có thể tiếp cận. Do đó, giá vàng đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong hai năm trở lại đây, trong khi đồng franc Thụy Sỹ cũng tăng giá đáng kể. Các công ty đào vàng chắc chắn sẽ tiếp tục có lời, trong số đó là những công ty lớn như Randgold Resources Ltd., Fresnillo Plc, và Polymetal International Plc.
Khu vực
Dublin, Amsterdam và các trung tâm tài chính khác: Brexit có thể sẽ khiến các ngân hàng có trụ sở tại London gặp khó khăn trong việc bán dịch vụ của mình vào EU cũng như việc hạn chế tình trạng nhập cư sẽ khiến họ khó thuê được các nhân viên châu Âu khác. Trước cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ Ireland đã tiếp cận các ngân hàng lớn để chuyến hướng hoạt động sang khu vực Bắc Âu thay thế cho London.
Phe thất bại
David Cameron và George Osborne: Thủ tướng David Cameron chọn giải pháp trưng cầu dân ý trong nỗ lực để chống đỡ làn sóng bài EU của đảng Bảo thủ cũng như thách thức từ đảng Độc Lập. Giờ đây, tương lai chính trị của ông không có gì chắc chắn và dường như sự nghiệp của ông Cameron sẽ được quyết định thông qua cuộc bỏ phiếu này. “Cánh tay phải” của ông, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, từng được xem là người kế nhiệm của ông Cameron, chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Anh là người ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu. |
Các thể chế kinh tế và chính trị: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Giám đốc IMF Christine Lagarde và cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau, là những người từng gọi điện để thể hiện sự ủng hộ việc Anh ở lại EU. Các lãnh đạo tập đoàn kinh tế như Jamie Dimon của JPMorgan Chase & Co. từng cảnh báo rằng việc rời đi sẽ khiến nước Anh mất đi nhiều việc làm.
Các ngân hàng lớn: việc Brexit thắng thế có nghĩa là sẽ mất hàng năm nữa để điều chỉnh quy định và dẫn đến suy thoái cho những doanh nghiệp cổ phần và hợp nhất mới. Bản thân các tập đoàn quốc tế sẽ phải cân nhắc việc điều chuyển nhân viên và hoạt động của mình tại châu Âu.
Các thị trường và nền kinh tế: Theo Ngân hàng Anh Quốc, kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây tổn hại cho việc đầu tư và thuê nhân viên cũng như làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua và 7 trong số 10 đối tác thương mại của Anh vẫn đang nằm trong khối EU. Trong khi đó, những nơi không an toàn sẽ bị tác động thấy rõ. Đồng krone của Na Uy là một trong số nhóm tiền tệ bị ảnh hưởng nhất bởi Brexit bởi Na Uy là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh.
Thị trường bất động sản London sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. |
London và lĩnh vực bất động sản: Citigroup, Morgan Stanley, JPMorgan và BlackRock là một trong số các công ty nước ngoài có thể cắt giảm lao động London sau vụ “ly hôn” này. Brexit cũng sẽ ảnh hưởng tới giá nhà đất và doanh thu từ thuế. Tình trạng tín dụng bất ổn cũng sẽ tác động tới những công ty bất động sản như Barratt Developments Plc và Canary Wharf Group Plc bởi việc Anh rời EU có thể cản trở các dự án phát triển hạ tầng và làm tăng chi phí xây dựng nhà mới.