Người biểu tình Venezuela lập rào chắn trên đường phố
Bất chấp lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống Nicolas Maduro, những người biểu tình Venezuela vẫn tiến hành chặn các ngả đường chính ở các thành phố trên khắp đất nước. Phong trào biểu tình chống chính phủ đang lan rộng ở Venezuela hiện nay bắt nguồn từ một phong trào thanh niên được thành lập hồi tuần trước.
Người biểu tình Venezuela lập rào chắn, tăng cường phòng thủ cho cuộc chiến chống lại chính phủ. |
Hôm thứ Tư (26/2), Tổng thống Maduro đã kêu gọi một hội nghị hòa bình, mời các thị trưởng, thống đốc và các nhà lập pháp hàng đầu để tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt bạo lực. Kết quả cuộc đàm phán đến nay vẫn chưa rõ trong khi người biểu tình đổ lỗi cho chính phủ mới là lực lượng gây ra bạo lực khiến 13 người thiệt mạng.
Những rào chắn được sắp xếp đầy rẫy trên đường phố của các thành phố lớn như Caracas, Valencia, Maracaibo và San Cristobal. Những người lập ra nó cho biết đó không chỉ là một hình thức phản đối mà còn là nỗ lực để họ “tự bảo vệ mình trước lực lượng Vệ binh Quốc gia”.
Rào chắn đã làm ảnh hưởng đến giao thông đường phố. "Valencia là hoàn toàn bị tê liệt!", một người dân có tên là Carmen Teresa cho biết trên trang tin tức CNN, “Chúng tôi cần được lắng nghe, nhưng không có phương tiện truyền thông nào phát sóng về những gì xảy ra”.
Tại thủ đô Caracas, rào chắn cũng trở thành tiêu điểm của các cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình lớn nhất vào hôm thứ Ba (25/2) là một cuộc hành quân của các sinh viên tới trước Đại sứ quán Cuba. Phe đối lập Venezuela đã cáo buộc chính phủ Cuba can thiệp vào nội bộ Venezuela và xâm nhập quân đội của họ.
Đại sứ quán Cuba tại Caracas cũng đã từng bị bao vây bởi những người biểu tình vào năm 2002, khi cố Tổng thống Hugo Chavez từng bị lật đổ trong một thời gian ngắn.
Cũng vào thứ Ba, Mỹ tuyên bố sẽ trục xuất ba nhà ngoại giao Venezuela trong một hành động trả đũa sau khi Caracas trục xuất ba nhà ngoại giao của Mỹ.
Venezuela trục xuất các quan chức Mỹ hồi đầu tháng này khi cho rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau các cuộc biểu tình ở Venezuela trong một nỗ lực để gây bất ổn cho chính phủ. Mỹ đã phủ nhận cáo buộc này.
Các đại sứ ở Venezuela bị trục xuất gồm Ignacio Luis Cajal Avalos, Victor Manuel Pisani Azpurua và Marcos Jose Garcia Figueredo. Mỹ cho phép 3 người này có 24 giờ đồng hồ để trở về Venezuela.
Khi căng thẳng ở Venezuela tăng cao, Thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey từng phát biểu trên CNN hôm thứ Ba rằng Mỹ nên cân nhắc đẩy mạnh nỗ lực lên án bạo lực bằng cách thu hồi thị thực hoặc đóng băng các tài khoản ngân hàng của các quan chức đất nước Nam Mỹ.
Khi được hỏi về việc bắt giam lãnh đạo đối lập Venezuela Leopoldo Lopez, ông Menendez nói, "đó là một ví dụ trên thực tế rằng chúng ta nên xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người trong chính phủ của ông Maduro, những người đang sử dụng bạo lực... Đó là những thông điệp mạnh mẽ nhất mà không cần phải can thiệp về nhân quyền và dân chủ".