Ngư dân Quảng Ngãi tố bị kiểm ngư Trung Quốc đuổi đánh
Trong lúc tham gia đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá QNg 96787 TS, do ngư dân Võ Minh Vương (38 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) là chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 15 lao động và tàu cá QNg 90153 TS, do ngư dân Mai Văn Cường (40 tuổi, ở thôn Tây) làm thuyền trưởng đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc truy đuổi, phá và tịch thu toàn bộ tài sản.
Anh Vương chỉ vào cửa kính bị đập phá tan nát. |
Đưa tay chỉ chiếc tàu cá của mình đang neo đậu tại cảng trong tình trạng tan hoang, anh Vương chưa hết thất thần kể vào sáng 6/7, khi đang neo đậu tại vùng biển Hoàng Sa thì tàu Trung Quốc sơn màu trắng số hiệu 306 bất ngờ xuất hiện. Nghĩ rằng cũng như các phiên biển trước, họ chỉ xua đuổi ra khỏi vùng biển họ đang chiếm đóng trái phép, nên anh Vương cho tàu nhổ neo chạy về hướng đất liền.
Theo anh Vương, khác với mọi lần trước, lần này tàu Trung Quốc kéo ga, tăng tốc đuổi theo. Tuy cho tàu chạy hết công suất, thế nhưng chỉ ít phút sau đã bị tàu họ đuổi kịp, cập mạn rồi cho người mang súng nhảy sang uy hiếp. Họ ra hiệu tất cả ngư dân đi trên tàu giơ tay sau gáy và tập trung nơi mũi tàu cá, rồi sử dụng dùi cui liên tiếp đánh đập ngư dân.
Thuyền trưởng Cường với số dây bị hơi chặt đứt. |
"Bất chấp sự van xin của ngư dân, họ dùng búa rìu chặt phá toàn bộ 6 dây bành hơi, 2 dây bành neo, đập nát cửa kính ca bin, rồi lục soát lấy đi toàn bộ hệ thông Icom, máy dò, định vị, 2 thuyền thúng và trên 3.000 lít dầu cùng nhiều vật dụng khác rồi bỏ đi", anh Vương thuật lại. Tổng thiệt hại của tàu anh Vương gần 400 triệu đồng.
Ngoài tàu cá của ngư dân Võ Minh Vương, thì cùng ngày, tàu cá QNg 90153 TS, của ngư dân Cường cũng bị tàu kiểm ngư Trung Quốc 306 truy đuổi. Theo thuyền trưởng Mai Văn Cường, khoảng 9h, khi các lao động đang khai thác hải sản tại Hoàng Sa thì tàu kiểm ngư 306 xuất hiện, thấy tình hình không ổn nên vội cho tàu tăng tốc.
Tuy nhiên, theo anh Cường, đi được vài hải lý tàu cá đột ngột tắt máy và bị tàu Trung Quốc đuổi kịp. Họ lên tàu đập phá tài sản, đánh đập ngư dân bằng rùi cui; chặt phá toàn bộ dây hơi, dây neo và lục soát lấy đi toàn bộ máy định vị, máy dò, và hệ thống I com cùng trên 3 tấn cá, thiệt hại trên 200 triệu đồng.
Lực lượng biên phòng đang tìm hiểu vụ việc. |
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó Đồn biên phòng Lý Sơn, cho biết nhận được tin báo, sau khi 2 tàu cá trên cập cảng tại đảo Lý Sơn vào ngày 9/7, đơn vị đã cử lực lượng xuống xác minh vụ việc. Qua các dấu hiệu bước đầu xác định việc đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên 2 tàu cá này là có thật. Bên cạnh đó nhiều ngư dân còn những vết tích bị đánh đập. Cùng với báo cáo lên cấp trên, đồn đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam Chiều tối 10/7, UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành về kết quả xác minh hai tàu cá ngư dân xã An Vĩnh khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc ngăn cản, đập phá và lấy tài sản. Báo cáo cho rằng vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, hiện phía Trung Quốc đang tăng cường tuần tra, ngăn cản ngư dân không cho khai thác hải sản, có các hành động gây ảnh hưởng đến tính mạng, kinh tế và đánh đập ngư dân. Hành động này làm cho ngư dân Việt Nam hoang mang, lo sợ, không dám hành nghề. UBND huyện Lý Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Ngoại vụ có văn bản gửi các cơ quan chức năng can thiệp phía Trung Quốc không được ngăn cản, đập phá tài sản của ngư dân khi đang hành nghề đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời kiến nghị các cấp chỉ đạo cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển tăng cường tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển và bảo vệ ngư dân. Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết tỉnh đang chờ báo cáo sự việc từ địa phương và bộ đội biên phòng để có ý kiến chính thức. Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Đức, chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, đánh giá các hành động của tàu kiểm ngư Trung Quốc là vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và Công ước Luật biển quốc tế (UNCLOS), đối xử phi nhân đạo với ngư dân. Ông Đức cho biết Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản kịch liệt phản đối hành động trên của Trung Quốc. “Hội Nghề cá cũng yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành động tương tự, không được cản trở hoạt động kinh tế, phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân Việt Nam”, ông Đức nói. Theo Tuổi trẻ |
Bích Trâm