Ngọc Rambo bắt giữ người trái luật: Cần phải xử lý hình sự
Theo luật sư, việc “giang hồ mạng” Ngọc Rambo (ở Bắc Giang) bắt giữ thiếu niên 16 tuổi là hành vi trái pháp luật và cần phải xử lý nghiêm.
Như Infonet đã thông tin, ngày 23/12, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ 2 đối tượng Lê Thanh Ngọc (thường gọi là Ngọc Rambo; SN 1989, trú tại thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha, huyện Lục Nam, Bắc Giang) và Phùng Văn Hùng (SN 1998, cùng trú xã Tiên Nha, huyện Lục Nam) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Trong quá trình bắt giữ Ngọc và Hùng, Công an đã thu giữ một điện thoại di động cùng 4 máy tính để phục vụ công tác điều tra.
Theo lời khai của Ngọc, khi nghe người quen nói bị mất máy tính xách tay (laptop), nghi ngờ Nguyễn Trường A. (16 tuổi, ở Tuyên Quang) lấy trộm, Ngọc và Hùng đã bắt cháu A. về nhà tra khảo, ép người thân cháu A mang laptop đến để chuộc người về.
Quá trình tra khảo, Ngọc và Hùng đã quay lại video và đăng tải lên kênh Youtube Ngọc Rambo. Ngoài mục đích để đòi lại laptop, Ngọc còn có ý định dùng video để câu view, kiếm tiền trên kênh YouTube.
Hình ảnh về Ngọc Rambo bắt người trái pháp luật bị công an xử lý hình sự. |
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Việc một cá nhân tự ý bắt, giữ người khác mà không phải là đang thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật thì là hành vi trái luật, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi tự ý bắt, giữ cháu bé A. để điều tra về hành vi trộm cắp chiếc máy tính của Lê Thanh Ngọc là hành vi trái pháp luật.
Đầu tiên, Ngọc không phải là người có thẩm quyền tiến hành bắt, giữ người để điều tra hành vi trộm cắp. Thẩm quyền này thuộc về cơ quan công an cấp huyện, nếu cơ quan công an nhận được tin báo tố giác tội phạm từ người bị hại.
Việc Ngọc và Hùng tự ý bắt cháu A về và tiến hành tra khảo là hành vi trái pháp luật, cố ý và xâm phạm đến các quyền lợi hợp pháp của cháu A. Chưa kể đến chi tiết cháu A là người chưa thành niên. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm lý và sức khỏe của cháu.
Hành vi của 2 đối tượng nêu trên có dấu hiệu của việc phạm tội "Bắt, giữ người trái pháp luật" theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Không chỉ có vậy, việc các đối tượng quay clip tra khảo cháu A. và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích câu view, lan truyền nội dung nêu trên là hành vi có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Ngoài ra, việc Ngọc yêu cầu gia đình cháu A. đem máy tính xách tay đến để chuộc cháu A có dấu hiêu của hành vi tống tiền,…
Cơ quan chức năng cần phải tiến hành làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm minh”.
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, hiện tượng “giang hồ mạng” đang trở thành một xu hướng, tác động khá mạnh tới giới trẻ, nhưng lại chủ yếu theo hướng tiêu cực. Nhìn chung, các giang hồ mạng thường xuyên khoe mẽ, giảng dạy triết lý cuộc sống và có những hành động thể hiện sự “anh hùng” nhằm lôi kéo người xem, câu view và kiếm tiền. Tuy nhiên, những hành động này mang nhiều sắc thái khác nhau nhưng đa phần đều không đúng các quy định của pháp luật. Điều này tác động đến tâm lý của những người trẻ khi chưa hiểu biết về pháp luật và cuộc sống, khiến họ tin và sùng bái, các đối tượng vi phạm pháp luật lại trở thành thần tượng của một phần giới trẻ.
Luật sư khẳng định, pháp luật không cấm "giang hồ mạng" không được quay clip, nhưng những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc để răn đe, đồng thời tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người dân để tránh học theo, làm theo các hành vi xấu.
Tân Trường
Giang hồ mạng Ngọc 'Rambo' bắt giữ người trái luật còn quay video tung lên mạng
Nghi ngờ cháu A. ở Tuyên Quang lấy máy tính của người thân nên Ngọc và Hùng bắt về tra khảo, đồng thời quay lại video đăng tải lên mạng. Ngày 23/12, Ngọc và đàn em bị Công an tỉnh Bắc Giang tạm giữ.