Ngoại trưởng Nga nói gì về lộ trình giải quyết vấn đề Triều Tiên?
Ngoại trưởng Nga Lavrov |
Ria Novosti đưa tin hôm 6/8, ngay sau cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, nghị quyết về Triều Tiên mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua có bao gồm cả đề xuất của Nga về việc đặt ra lộ trình giải quyết vấn đề.
Ông Lavrov cho biết: "Có nhiều điểm đáng lưu ý về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có nghị quyết mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cùng với đó là các biện pháp cứng rắn mới đủ để tác động đến giới lãnh đạo của Bình Nhưỡng nhằm đạt được sự tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chống lại chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, cũng như chứa một cam kết vững chắc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên để tìm ra giải pháp chính trị".
Ngoại trưởng Nga nhắc lại sáng kiến chung của Nga và Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ông nói thêm: "Trong sáng kiến chung của hai bên, Nga có đưa ra đề xuất xây dựng lộ trình từng bước khôi phục lòng tin và tạo điều kiện cho việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. Chúng tôi đã nhất trí thúc đẩy khái niệm thành hành động thực tế, kể cả tại LHQ".
Hôm thứ Bảy vừa qua (5/8), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2371 về việc thắt chặt trừng phạt đối với Triều Tiên. Nghị quyết trừng phạt lần này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Triều Tiên, đặc biệt là sắt, quặng sắt, chì, than và hải sản. Ngoài ra, tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên cũng sẽ bị đóng băng, và các tàu hải quân Triều Tiên do vi phạm nghị quyết của LHQ sẽ bị từ chối nhập cảnh vào cảng của tất cả các nước. Biện pháp trừng phạt mới cũng được áp đặt đối với các cá nhân có liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tháng 8/2003, các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được khởi động. Cuộc đàm phán được tổ chức với sự tham gia của các nhà ngoại giao cấp cao Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Sau đó, Triều Tiên không chỉ đóng băng chương trình hạt nhân của mình, mà còn bắt đầu tháo dỡ các lò phản ứng trong một trung tâm thử nghiệm ở Yongbyon.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 cuộc đối thoại thực sự bế tắc sau khi Mỹ và Triều Tiên thất bại trong việc thỏa thuận về cách thức xác minh báo cáo danh sách các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình để cung cấp nhiên liệu Triều Tiên vận hành nhà máy điện thông thường để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân.