Ngoại trưởng Indonesia: ASEAN phải tiến tới Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia: ASEAN phải tiến tới Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông
Can thiệp vào ASEAN, sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc
Báo nước ngoài bàn về 'sự cố tắt micro' trong Hội nghị ASEAN
Báo Thái Lan: Campuchia đe dọa tương lai ASEAN
Ngoại trưởng Indonesia đang công du đến các nước thành viên ASEAN để cứu vãn thỏa thuận chung của khối và Bộ qui tắc ứng xử trên biển. |
Chuyến công du của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa được tiến hành sau khi Hội nghị ASEAN có một số bất đồng và không thể đưa ra tuyên bố chung khiến Bộ qui tắc ứng xử trên biển chưa đạt được tiến bộ nào.
Philippines là điểm đến đầu tiên của ông Natalegawa và sau khi gặp gỡ Ngoại trưởng Albert del Rosario ở Manila, ông sẽ đến các quốc gia khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
“ASEAN phải duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông”, ông Natalegawa phát biểu trước các phóng viên. Ông cũng cho biết ông và ngoại trưởng Philippines đều thống nhất rằng ASEAN nên thống nhất quanh các nguyên tắc cơ bản về vấn đề Biển Đông trong đó có việc thực thi Bộ qui tắc ứng xử để tránh xung đột trên biển.
Và ông tuyên bố ông hi vọng chuyến công du của ông sẽ đem lại một “lập trường chung ASEAN” về lãnh hải, xóa bỏ những nhận định cho rằng khối đang bị chia rẽ.
Chiều ngày 18/7, ông Natalegawa đã tới Hà Nội và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông và nhất trí, trong bối cảnh hiện nay, cần phải củng cố và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh ủng hộ sáng kiến của Ngoại trưởng Indonesia về phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông; cũng như đề xuất gồm 6 nguyên tắc cơ bản đối với vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh: tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tăng cường thực hiện các Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC; sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC; tôn trong luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Bộ qui tắc ứng xử, với sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng quốc tế, được nhìn nhận là biện pháp để giảm nguy cơ những mâu thuẫn về đánh bắt hải sản, quyền hàng hải hay khai thác dầu khí có thể phát triển thành một cuộc xung đột có vũ trang.
Nhưng sau sự cố Phnom Penh vừa qua, Philippines cáo buộc Trung Quốc “hai mặt” và có hành động “dọa nạt”. Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn kể từ giữa tháng 4 khi hai quốc gia chạm trán tại bãi cạn Scarborough mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền.
Sau thất bại của Hội nghị ASEAN, thứ trưởng ngoại giao Philippines Erlinda Basilio tuyên bố mặc dù Philippines sẽ kiên nhẫn và rộng lượng, nước này sẽ “không thể nào im lặng mãi trước những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi một cách trơ tráo cũng như sự đe dọa của một nước lớn”, nhằm ám chỉ tới Trung Quốc.
Lê Dung