Ngoại trưởng Đức: Nga-Đức không cần quay lưng với nhau
Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Đức |
“Dù sao tôi vẫn nghĩ rằng không có lý do gì và không cần thiết để chúng ta phải quay lưng lại với nhau. Ngược lại, đó (những bất đồng còn tồn tại) là nguyên nhân khiến hai bên phải nỗ lực để duy trì đối thoại.
Thậm chí ngay cả khi chúng ta biết rằng đối thoại này sẽ ngày càng phức tạp hơn thì chúng ta vẫn phải đối thoại một cách nghiêm túc, tôn trọng nhau, quyết liệt để có thể đạt được các giải pháp cần thiết”- Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định.
Ngoại trưởng Đức đồng thời cũng nhấn mạnh rằng Đức vẫn đang mong chờ Nga và EU sẽ xích lại với nhau về chính trị trong thời gian tới.
Ông Frank-Walter Steinmeier bổ sung thêm rằng “điều quan trọng là tránh được những hiểu nhầm trong các vấn đề an ninh”.
Khi đề cập đến các nguyên nhân khiến quan hệ giữa Nga và Đức có phần xấu đi, Ngoại trưởng Đức cho rằng các sự kiện xung quanh vấn đề Crimea và xung đột ở Ukraine là một phần các nguyên nhân. Ông Frank-Walter Steinmeier khẳng định rằng hiện vẫn có nhiều khả năng để các nội dung chính trị trong Thỏa thuận Minsk 2 sẽ được thực hiện.
“Trong thời điểm hiện nay vẫn có các khả năng để thúc đẩy việc thực hiện nội dung chính trị trong Thỏa thuận Minsk, cụ thể là trong vấn đề thông qua các đạo luật để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở Donbass, về ân xá cho tù binh quân sự và trao quy chế đặc biệt cho khu vực phía Đông của Ukraine”- Ngoại trưởng Đức nhận định.
Hợp tác với NATO
Đề cập đến vấn đề hợp tác giữa Nga với NATO, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định rằng cần thiết phải sử dụng các khả năng của Hội đồng Nga-NATO để thúc đẩy tiến trình này.
Một trong những cản trở chính đến cải thiện quan hệ Nga-NATO là do rất nhiều người Nga coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga. Và để giảm thiểu lo ngại này, phía NATO đã ký kết với Nga Văn kiện thành lập Hội đồng Nga-NATO vào năm 1997.
“Tuy nhiên, chúng ta cần đặt cho mình câu hỏi là liệu chúng ta đã làm tất cả để đưa ra các đề xuất và các dự án cụ thể để củng cố niềm tin với nhau chưa? Điều cần thiết là phải sử dụng các khả năng của Hội đồng Nga-NATO, đặc biệt là trong giai đoạn đầy phức tạp như hiện nay.
Vấn đề này đã được ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức tháng 7 vừa qua ở Warsaw, Ba Lan, và Hội đồng Nga-NATO đã được triệu tập, ít nhất là cấp bộ trưởng”- ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh.
Cảnh hoang tàn ở Syria |
Tình hình ở Syria
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng khẳng định rằng “sự can thiệp của Nga vào Syria là hoàn toàn bất ngờ”.
Do đó, ông Frank-Walter Steinmeier cho rằng Nga cần phải có trách nhiệm đặc biệt ở thành phố Aleppo của Syria, nhất là trong việc đảm bảo hành lang nhân đạo. Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định rằng ông hy vọng vào hợp tác với Nga để giải quyết tình hình ở Aleppo, đồng thời kêu gọi tất cả các nước “hợp tác cho giải pháp chính trị ở Syria”.
Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria “chỉ có thể đạt được thông qua các nỗ lực chung”.
“Khi tiến trình khôi phục Syria sau khủng hoảng được bắt đầu, chính Nga và Đức phải hợp tác cho dù đó là ở Palmyra, Aleppo hay Homs. Tôi tin tưởng rằng nếu như chúng ta nhận trách nhiệm về việc duy trì, gìn giữ các di sản văn hóa ở các khu vực khủng hoảng thì điều đó sẽ có đóng góp đáng kể vào việc đưa các dân tộc của chúng ta xích lại gần nhau hơn về mặt văn hóa”- ông Frank-Walter Steinmeier nói.
Vấn đề “Dòng chảy phương Bắc 2”
Theo Ngoại trưởng Đức, trong việc giải quyết vấn đề này, tất cả các công ty châu Âu có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” cần phải đợi quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo tự do cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở EU, trong đó có ở Ba Lan.
“Trong các điều kiện hiện nay, điều cần thiết là phải giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến luật chống độc quyền. Điều này liên quan đến việc có được sự đồng ý từ phía Ba Lan”- Ngoại trưởng Đức đánh giá.
Theo Ngoại trưởng Đức, những hoạt động tiếp theo của Tập đoàn Gazprom của Nga và các đối tác phương Tây về thực hiện dự án này sẽ phụ thuộc vào các quyết định của Ủy ban chống độc quyền của EU.
Được biết, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt chạy qua biển Baltic để đưa khí đốt từ Nga sang Đức sau đó đến các nước châu Âu mà không chạy qua lãnh thổ Ukraine. Đường ống này có chiều dài 1.222 km và có công suất lên đến 55 tỷ mét khối/năm.
Ngoài các vấn đề trên, trong thời gian ở thành phố Ekaterinburg, Ngoại trưởng Đức cũng đến thăm và phát biểu trước sinh viên trường Đại học Tổng hợp liên bang Ural, nơi ông Frank-Walter Steinmeier là Giáo sư danh dự của nhà trường. Ông Frank-Walter Steinmeier cũng cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khai mạc Trường hè Nga-Đức tại Ekaterinburg.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ Ria Novosti, Tass.