Ngoại trưởng Đức “hiến kế” cứu vãn Hiệp ước INF
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. |
Phát biểu sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đề cập tới Hiệp ước INF, ông Maas nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng Nga có thể cứu vãn hiệp ước này. Về cơ bản, nó ảnh hưởng tới những lợi ích an ninh của chúng tôi. Như các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chúng tôi cho rằng đó là một tên lửa vi phạm hiệp ước này và nó nên bị phá hủy theo cách có thể được kiểm chứng để quay trở lại thực thi Hiệp ước INF".
Theo nhà ngoại giao Đức, Moscow đã cố gắng cứu vớt thỏa thuận và bày tỏ hy vọng các cuộc hội đàm giữa các nhà đàm phán Nga và Mỹ sẽ sớm nối lại.
"Bất kỳ thông tin nào ở đây đều phù hợp, vì vậy tôi rất hoan nghênh nếu cả Nga và Hoa Kỳ đều tuyên bố trong những ngày tới họ sẽ sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại", Maas nói thêm.
Gần đây, những căng thẳng dấy lên giữa Moscow và Washington về số phận của Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước INF. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý rằng Moscow có những câu hỏi rất nghiêm túc với Hoa Kỳ về việc họ tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.
Ngoại trưởng Nga Lavrov. |
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, các cáo buộc của Mỹ về việc Nga vi phạm Hiệp ước INF là không có căn cứ, tên lửa 9M729 đã được thử nghiệm ở phạm vi cho phép của thỏa thuận.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa đưa ra lời giải thích tại sao Washington lại cho rằng tên lửa 9M729 vi phạm Hiệp ước INF.
Trước đó, ngày 16/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách An ninh Quốc tế và Kiểm soát Vũ khí, bà Andrea Thompson cho biết việc cuộc họp vừa qua giữa Nga và Mỹ không giải quyết được những cáo buộc của Washington rằng Moscow đang vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), động thái khiến kế hoạch của Washington rút khỏi hiệp ước này sắp được thực thi.
Sau cuộc họp với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Thompson cho hay Mỹ đã lên kế hoạch khởi động tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng kể từ ngày 2/2 tới.