Ngoại giao Trung Quốc: 'Hòa' với Nhật, 'rắn' với Mỹ?
Dương Khiết Trì, một cựu đại sứ Washington cứng rắn, đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao nhà nước Trung Quốc. Là một người nói tiếng Anh thành thạo, ông luôn khẳng định rằng nước Mỹ nên đứng ngoài các vấn đề của khu vực châu Á.
Tân Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị, một nhà ngoại giao 'bóng bẩy' hiểu biết rất rõ về Nhật Bản và sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa mối quan hệ với Tokyo sau những đổ vỡ từ vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Vương Nghị - Tân Ngoại trưởng Trung Quốc |
“Trung Quốc thật sự không muốn nhìn thấy một lần nữa sự đối đầu với Nhật Bản”, ông Ruan Zongze, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc có mối liên kết chặt chẽ với Bộ Ngoại giao nước này cho biết, “Ngoại trưởng đã từng làm việc ở Nhật Bản. Việc này cho thấy chúng tôi đang đặt nhiều sự chú ý vào vấn đề. Chúng tôi sẽ giao tiếp nhiều hơn với Nhật Bản nhằm cải thiện tình hình”.
Quân đội Trung Quốc, thường có một sự ảnh hưởng nhất định trong các chính sách đối ngoại, cũng đã đưa ra một loạt các bài bình luận hòa giải về Nhật Bản, cho thấy Bắc Kinh muốn thoát khỏi tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các cường quốc châu Á năm vừa qua.
Chính sách mới của ông Tập Cận Bình sẽ bị đe dọa bởi các hạn chế của chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Sự thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào mối quan hệ ổn định và hòa bình với các nước láng giềng và với Washington. Tuy nhiên, ông Tập sẽ phải chứng minh với người dân trong nước rằng ông đang bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và giành được sự tôn trọng quốc tế mà đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải có được.
Ông Tập sẽ phải chịu những áp lực trong việc duy trì vị thế mạnh trong vụ tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản và giải quyết mối bất hòa với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Ông cũng sẽ phải giải quyết một nhận thức mạnh mẽ tại Trung Quốc rằng Mỹ đang tích cực kìm hãm sự phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của mình bằng chính sách “Trục châu Á” mà Tổng thống Barack Obama công bố vào năm 2011.
Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ngôi sao ngoại giao mới của nền kinh tế thứ 2 thế giới |
“Chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở Trung Quốc là thách thức lớn cho các tân lãnh đạo Trung Quốc”, ông Wang Dong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận định, “Tương tự, có rất nhiều hành động cân bằng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tìm kiếm từ người dân trong nước. Mục tiêu của chính sách đối ngoại là đảm bảo một môi trường hòa bình ở bên ngoài Trung Quốc”.
Mặc dù trọng tâm ngoại giao hiện nay vẫn là Nhật Bản và Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình vẫn chọn Nga là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Tiếp đó là Nam Phi, Tanzania và Cộng hòa Công-gô.
Lợi ích kinh tế “đè” lên chính sách đối ngoại hòa bình
Nga là sự lựa chọn hiển nhiên khi mà hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở Syria. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang “tuyệt vọng” tìm kiếm một người bạn ổn định ở sườn phía bắc để chống lại sự phát triển ảnh hưởng của Mỹ ở Myanmar – sát biên giới phía nam của nước này.
Châu Phi lại là chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc bởi ở đây thúc đẩy các nhu cầu sản phẩm giá rẻ của họ và châu Phi có một nguồn tài nguyên năng lượng có thể làm bùng nổ kinh tế. Thương mại hai chiều giữa họ đã vượt qua 220 tỷ USD trong năm 2012, tăng khoảng 30% so với năm 2011, theo số liệu thống kê từ Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải giải quyết những lo ngại rằng các công ty sở hữu nhà nước đã nhập khẩu lao động Trung Quốc vào châu Phi để thực hiện các công trình xây dựng và các dự án, trong khi lấy tài nguyên thô đưa về Trung Quốc xử lý. “Chúng tôi đề nghị các công ty Trung Quốc không chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc”, đặc phái viên Trung Quốc được cử đến châu Phi, ông Zhong Jianhua nói, “Tôi nghĩ rằng hầu hết các công ty Trung Quốc nhận ra điều này”.
Washington vẫn rất quan trọng
Ông Tập Cận Bình đã đến Washington gặp gỡ Tổng thống Obama vào năm ngoái. Trong tuần này, chỉ vài ngày sau khi ông Tập chính thức nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã đến Bắc Kinh. Các động thái này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước.
Ở Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì được xem là người có thể đối phó được với Washington khi nhấn mạnh vị trí của Bắc Kinh trong các vấn đề khó khăn như tranh chấp biển đảo, tiền tệ, đồng nhân dân tệ và trao đổi thương mại.
Ông Vương Nghị - Bộ trưởng ngoại giao mới, người được mệnh danh là “nhà chữa cháy” , có vai trò quan trọng trong việc kìm chế sự nóng lên của mối quan hệ Đài Loan và Trung Quốc – được tin là sẽ giúp ổn định cho mối quan hệ không chỉ với Nhật Bản mà cả với Hoa Kỳ.
Vị thế toàn cầu
Mọi động thái ngoại giao gần đây đều cho thấy dấu hiệu muốn đảm nhận một vai trò quốc tế lớn hơn của Trung Quốc. “Trong điều kiện của một quốc gia có sức mạnh toàn diện, Trung Quốc hiện đã đứng thứ hai thế giới” – tuyên ngôn được Thời báo Hoàn Cầu, tiếng nói chính chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng tải nhiều lần và gần đây nhất là trong một ấn phẩm xuất bản hôm thứ Ba (19/1). “Trung Quốc cần một chiến lược lớn hơn ngoại giao, điều cần có để phù hợp với tình hình quốc gia hiện tại và không sao chép kinh nghiệm của các cường quốc khác”.
Ví dụ, Trung Quốc nhập khẩu một nửa lượng dầu từ Trung Đông, nhưng lại đóng vai trò rất nhỏ trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syrian hay tranh chấp Israel-Palestine. Vai trò bảo vệ các giếng dầu vùng Vịnh và các tuyến hàng hải vẫn chủ yếu do “cảnh sát toàn cầu” của thế giới – Hoa Kỳ đảm nhiệm.