Ngộ độc rượu: Lời cảnh báo chẳng năm nào thừa
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về ngộ độc rượu. Ảnh K.C |
Dấu hiệu ngộ độc rượu
Hàng năm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu vào cấp cứu. Trong đó, nhiều trường hợp đã tử vong, thậm chí còn sống thì cũng mù mắt do methanol phá hủy.
Ngộ độc rượu thường xảy ra vào dịp cuối năm, lễ Tết, các bác sĩ cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn ngừa thì tình trạng ngộ độc rượu lại gia tăng.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm như bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật. Chân tay tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
Nạn nhân có dấu hiệu thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh, da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh, đái, ỉa ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường).
Về thị lực, người bệnh có dấu hiệu nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng, mệt nhiều
Khi đó, cần sơ cứu bằng cách cho người bệnh nằm nghiêng sang một bên, nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh để tránh dịch tràn vào phổi gây viêm phổi. Nếu người bệnh có dấu hiệu khó thở, khò khè có thể hô hấp nhân tạo.
Khi người bệnh có dấu hiệu co giật tuyệt đối không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng. Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.
Bác sĩ Nguyên cho biết nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế. Trường hợp ngộ độc rượu nhẹ hơn cũng không nên tự đi lại một mình, không tự lái xe, không vận hành máy móc hay lao động khác. Cho người bệnh các chất tinh bột (cơm, cháo, mỳ,…), hoặc cho uống nước đường.
Khi ngủ nên để tư thế nằm nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết). Khi ngủ nên cho người bệnh mặc đấm (nếu thời tiết lạnh), tránh lạnh.
Cách phòng ngộ độc rượu
Thạc sĩ Nguyên cho rằng cách phòng ngộ độc rượu tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.
Lưu ý các đối tượng không nên uống rượu như trẻ em, vị thành niên, phụ nữ có thai (hoặc đang sắp có thai), cho con bú, người không kiểm soát được số lượng uống ở mức độ ít.
Những người lái xe, vận hành máy móc hoặc các hoạt động đòi hỏi tập trung, kỹ năng và phối hợp động tác, người đang dùng thuốc (phải hỏi kỹ đơn thuốc). Người mới bỏ rượu xong.
Trong trường hợp phải uống rượu, bia thì uống đúng lúc: uống sau giờ làm việc, khi nghỉ ngơi.
Thạc sĩ Nguyên cho rằng cần chú ý một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ dàng nhanh chóng mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”.
Bạn cũng có thể kết hợp căn cứ vào các biểu hiện bên ngoài: vẫn tỉnh táo, phán xét đúng, nói rõ nét và đi lại vững vàng.
Khi uống rượu vẫn cần ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường,…(rượu gây hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não). Giữ ấm, tránh lạnh nếu trời lạnh (rượu gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt). Không lái xe, vận hành máy móc, lao động đặc biệt có nguy cơ với sức khỏe (ngã, tai nạn,…)
Chọn loại rượu/bia “an toàn” bởi vì trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn.
Bia cũng là rượu “loãng” (hàm lượng rượu ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng ethanol bạn uống cũng đáng kể). Chọn mua loại rượu, bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp bạn uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp.