Nghiêm cấm đe dọa, trù dập người cấp thông tin về lãng phí
Đối với phạm vi điều chỉnh, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Để nâng cao hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí, điều 5 của luật quy định rõ việc công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động…
Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
Trừ lĩnh vực, hoạt động thuộc bí mật nhà nước, còn lại các lĩnh vực như dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán ngân sách; Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản; Các khoản thu; Các quỹ có nguồn huy động đóng góp trong và ngoài nước… Tất cả đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch dưới hình thức phát hành ấn phẩm, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo bằng văn bản…
Luật được thông qua cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng các giải pháp để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm về việc ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí. Đồng thời phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Khi nhận được phản ánh về các hành vi lãng phí xảy ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chỉ đạo kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện.
Người đứng đầu cũng có trách nhiệm tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; xử lý hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi gây lãng phí…
Luật quy định rõ, thông tin phát hiện lãng phí gồm: Tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; Phản ánh dưới hình thức khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Người phát hiện lãng phí có quyền cung cấp thông tin cho người đứng đầu cơ quan nơi để xảy ra lãng phí, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để xem xét giải quyết hoặc cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để đưa tin theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của thông tin phát hiện.
Trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, lợi dụng thông tin gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, uy tín của người khác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ thực hiện trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, phản ánh hành vi lãng phí. Luật vừa thông qua nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người cung cấp thông tin lãng phí.