Nghị sĩ Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ "cấm cửa", quan hệ tiếp tục căng thẳng
Chính phủ Đức tin rằng động thái này là do Thổ Nhĩ Kỳ tức giận trước việc Đức thông qua đạo luật công nhận sự kiện thảm sát người Armenia của đế chế Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ) là hành động diệt chủng
Một máy bay quân sự đang chuẩn bị cất cánh tại căn cứ Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ). |
Theo các hãng thông tấn Đức, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ chuyến thăm của nghị sĩ Ralf Brauksiepe cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Đức khi họ đã có kế hoạch đến căn cứ không quân Incirlik vào tháng 7 tới.
“Hiện tại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận chuyến thăm này”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết. “Hiện vẫn chưa có văn bản giải thích nguyên do”.
Năm ngoái, Đức đã đồng ý đưa máy bay do thám cùng nhiều phi cơ chiến đấu khác tới căn cứ Incirlik để hỗ trợ liên quân do Mỹ đứng đầu chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hiện tại, Đức có khoảng 250 binh lính, 6 máy bay do thám Tornado cùng một phi cơ tiếp nhiên liệu tại căn cứ này.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết, hai nước hiện đang gần hoàn tất một thỏa thuận để xây dựng nơi ở và khoang để máy bay chiến đấu cho quân đội Đức tại căn cứ này.
Căng thẳng giữa Ankara và Berlin đã nóng lên trong vài tuần qua, khi vào tháng 4 một nghệ sĩ hài người Đức đã đọc bài thơ phê phán Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trên truyền hình. Đức cũng tỏ ra không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh truy quét những nhà báo, học giả và kênh thông tin truyền thông chỉ trích chính sách cảu chính phủ, và yêu cầu Ankara xem lại những điều luật gây tranh cãi trong hiến pháp.
Quan hệ giữa hai nước càng trở nên rạn nứt hơn nữa sau khi Berlin thông qua nghị quyết công nhận sự kiện giết hại nhiều người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 là hành động diệt chủng.
Sau đó, Tổng thống Erdogan đã tỏ ra rất giận dữ và nói rằng Đức không có quyền thể hiện ý kiến về vấn đề này và phải lấy vụ diệt chủng người Do Thái của Phát xít Đức làm gương để răn đe mình. Ông cũng nói rằng những chính trị gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên phải “đi kiểm tra dòng máu trong người mình”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.