Nghệ An: Tình trạng buôn bán hàng giả, bán hàng online phức tạp, khó quản lí
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng bày tỏ băn khoăn khi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp trên địa bàn. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, và gian lận thương mại tỉnh (Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, tình trạng các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng: như hợp thức hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn bán hàng trực tiếp của các tiểu thương tại các chợ biên giới, chợ đầu mối, quay vòng hóa đơn; sử dụng xe đầu kéo có rơ moóc niêm phong kẹp chì, gia cố thêm ngăn, vách ngầm bí mật để vận chuyển…
Các mặt hàng vi phạm chủ yếu tập trung vào các loại hàng có giá trị chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước như: rượu, thuốc lá điếu, pháo nổ, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Từ năm 2017 đến hết tháng 11/2019, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính 33.854 vụ; khởi tố 998 vụ, với 1.273 đối tượng, tổng giá trị thu phạt hơn 966 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chiều 11/12, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang còn diễn biến rất phức tạp, có hay không sự tiếp tay của các cơ quan chức năng về vấn đề này?
Ông Trần Đăng Ninh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết, việc hàng giả, hàng kém chất lượng.., tình trạng bán hàng online còn diễn biến phức tạp trên địa bàn. |
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Trần Đăng Ninh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nghệ An khẳng định, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng... vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn. Nguyên nhân do công tác quản lý địa bàn, nắm các đối tượng kinh doanh chưa chặt chẽ, đặc biệt sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt…
“Kết quả xử lý vi phạm của các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện còn ít, chủ yếu là nhắc nhở. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, thái độ tác phong của công chức lơ là, sợ va chạm, thiếu trách nhiệm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, lực lượng kiểm tra chặt chẽ về vấn đề buôn bán hàng giả, hàng nhái…; đồng thời tiến hành giám sát công vụ, nếu phát hiện cán bộ sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Ninh nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi, tình trạng bán hàng Online đang diễn biến rộng rãi, tuy nhiên công tác quản lý còn nhiều khó khăn về nguồn gốc xuất xứ, hàng được tiêu thụ dễ dàng đến tay người tiêu dùng, không chịu các khoản thuế...?
Về vấn đề này, ông Trần Đăng Ninh cho biết, doanh thu bán hàng thương mại điện tử rất nhanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 sàn giao dịch điện tử, 434 wesite quảng cáo, giới thiệu, chào hàng. Việc bán hàng qua mạng xã hội zalo, facebook thì nhiều không thể thống kê nổi.
“Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, xử phạt 379 triệu đồng về vấn đề này. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề này. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thống kê, cập nhật số lượng trang cá nhân để mua bán online, xây dựng các phương án kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về thương mại điện tử”, ông Ninh nói.