Nghệ An: “Loạn” các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép
Nha khoa Thẩm mỹ Sài Gòn (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) không phép đã bị đình chỉ hoạt động. |
Hàng trăm cơ sở hành nghề y, dược không phép
Theo báo cáo số 1667/SYT-QLHN ngày 13/6/2019 của Sở Y tế Nghệ An cho biết, thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh; đứng thứ 3 trong cả nước sau TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập cũng còn một số tồn tại như: Hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; biển hiệu ghi chưa đúng quy định; niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ; người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động…
Tính đến ngày 31/5/2019, địa phương này có 2.760 cơ sở y, dược được cấp phép. (trong đó: Hành nghề Y 523 cơ sở, hành nghề Dược: 2.237 cơ sở). Mặc dù đã chấn chỉnh, nhưng đến nay trên địa bàn vẫn đang có 181 cơ sở hành nghề Y, dược không phép đang hoạt động.
Một số địa phương đứng tốp đầu về số cơ sở hành nghề y, dược như: TP Vinh 648 cơ sở, Diễn Châu 237 cơ sở, Thanh Chương 191 cơ sở, Nghi Lộc 188 cơ sở…
Diễn Châu là huyện có dân số đông, kinh tế xã hội phát triển nhanh, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của nhân dân đòi hỏi ngày càng cao.
Đến nay, trên địa bàn huyện này đã có 237 cơ sở hành nghề y- dược tư nhân đang hoạt động và được cấp phép. Trong đó có 32 cơ sở hành nghề, Y, 217 cơ sở hành nghề Dược; số lượng người được cấp chứng chỉ hành nghề 411 người.
Tuy nhiên, tại báo cáo số 28/BC-PYT ngày 4/10/2018 của Phòng Y tế (huyện Diễn Châu) chỉ rõ: qua các lần kiểm tra, hiện nay trên địa bàn vẫn còn 8 cơ sở hành nghề chưa có giấy phép hoạt động; cơ quan chức năng đã xử lý, lập biên bản, đóng cửa 5 phòng khám răng hàm mặt và 18 cơ sở hành nghề đông y, xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 60 triệu đồng.
Theo ông Trương Đức Năm – Trưởng phòng Y tế huyện huyện Diễn Châu cho biết, phòng Y tế chỉ có 2 người nhưng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành y tế rất rộng nên công tác quản lý về hành nghề Y, dược tư nhân còn hạn chế, khi triển khai các hoạt động đều phải phổi hợp với các đơn vị liên quan.
“Kinh phí để triển khai các hoạt động không có, nên khi tổ chức thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở khi kiểm tra còn mang tính chất đối phó”, ông Năm nói.
Một cơ sở nha khoa ở huyện Yên Thành (Nghệ An) hoạt động không phép. |
“Loạn” các phòng khám Răng – Hàm – Mặt không phép
Huyện Yên Thành (Nghệ An) có gần 200 cơ sở hành, nghề y dược tư nhân được cấp phép, tuy nhiên đến nay trên địa bàn vẫn có hàng chục phòng khám Răng – Hàm – Mặt (R-H-M) không phép đang hoạt động.
Bà Phan Thị Tuyết – Trưởng phòng Y tế huyện Yên Thành lý giải, việc quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, lực lượng thì mỏng, nhất là các cơ sở nha khoa. Trong khi đó, việc phân cấp quản lý nhà nước về vấn đề này còn chưa rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm quản lý ở các xã.
Bà Tuyết cũng thừa nhận nhiều phòng khám R-H-M trên địa bàn chưa đủ điều kiện hoạt động như: Nha khoa T. Đ Hậu Thành, Tây Thành; Nha khoa T-T, Nha khoa S-G... Điều đặc biệt, một số cơ sở nha khoa không có biển tên, biển hiệu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Chia sẻ về những khó khăn khi hoàn thiện thủ tục cấp phép, một bác sĩ phòng khám R - H- M trên địa bàn huyện Yên Thành cho biết: Mặc dù đã nhiều lần liên hệ, hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ nhưng vẫn chưa được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Khó khăn nhất đối với các cơ sở nha khoa là hoàn thiện thủ tục Giấy xác nhận thực hành (54 tháng). Tuy nhiên, nếu không làm ở bệnh viện tư hoặc công thì không thể nào xin được.
Đây cũng nguyên do chính khiến nhiều phòng khám R-H-M gặp khó khăn khi xin hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Chính vì thế, họ chấp nhận làm "chui" để kiếm sống.
Một người dân đến làm dịch vụ răng tại Nha khoa Hoài Giang (thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương), sau đó tử vong. |
Việc thiếu chuyên môn, nghiệp vụ ở các phòng khám nha khoa đã khiến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Như vào tháng 1/2019, ông Ngũ Văn C. (SN 1959, trú xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) đi làm dịch vụ răng tại nha khoa Hoài Giang (trụ sở tại thị trấn Dùng, Thanh Chương).
Tại đây, sau khi làm dịch vụ răng thì ông C. đột nhiên ngất xỉu. Nạn nhân sau đó được mọi người đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương và tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó ông C. đã tử vong.
Điều đáng nói, Nha khoa Hoài Giang đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa có các giấy phép liên quan để được phép hoạt động.
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế Nghệ An, trong đợt kiểm tra vào tháng 05/2019, cơ quan này đã phát hiện 11 cơ sở phòng khám R-H-M không phép đang hoạt động, trong đó huyện Diễn Châu có 5 cơ sở, Quỳnh Lưu 2 cơ sở, Yên Thành 3 và Nghi Lộc 1.
Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý Hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Nghệ An) cho biết: Hầu hết các phòng khám Răng Hàm Mặt không phép hoạt động không đủ điều kiện về nhân lực (tức là không có bác sĩ chuyên môn), một số phòng khám thì các bác sĩ chưa đủ thời gian hành nghề.
(còn tiếp)