Ngày Tết không nên để trẻ ăn theo chế độ người lớn
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, mùa Tết cũng là mùa nhiều trẻ em mắc các bệnh rối loạn tiêu hoá phải đi viện.
Bác sĩ Tiến cho biết do những ngày tết các phụ huynh thường có khuynh hướng cho con em mình ăn uống theo chế độ ăn người lớn, thức ăn thường để lâu dài ngày, hâm đi hâm lại như thịt nguội, chả lụa, măng khô, thịt kho, bánh chưng, bánh tét,…nhiều mỡ, đạm, dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
Các nguyên nhân dẫn tới bé bị rối loạn tiêu hoá như bé ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, để ôi thiu, nhiễm vi khuẩn (Salmonella) và độc tố do chúng tiết ra (tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí)
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn cha mẹ cần nhớ: Sau bữa ăn vài giờ con xuất hiện các hiện tượng nôn, buồn nôn, đau bụng, phân lỏng, tiêu chảy nhiều lần và thậm chí có biểu hiện sốt.
Ảnh minh họa. |
Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên, cha mẹ cần chú ý cho con uống nhiều nước như nước oresol, nước đun sôi để nguội. Việc tăng cường nước cho trẻ để tránh hiện tượng mất nước khi trẻ đi tiểu chảy nhiều. Sau khi sơ cứu, cần theo dõi trẻ sát sao. Nếu tình trạng nôn, ói, tiêu chảy không dứt kèm theo tình trạng háo nước, lạnh chân tay, sốt cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy vì uống thuốc cầm tiêu chảy là cầm lại chất độc dễ gây nhiễm trùng tiêu hoá.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không để trẻ ở nhà chữa theo các mẹo như uống nước lá, ăn lá ổi… để cầm tiêu chảy. Dịp Tết nhiều gia đình ngại cho trẻ đi viện nên ở nhà tự chữa ngộ độc thức ăn dẫn tới các trường hợp đáng tiếc.
Để chăm sóc trẻ ngày Tết thật tốt, bác sĩ Tiến khuyến cáo đối với những bé còn đang trong giai đoạn bú sữa mẹ thì mẹ cần quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng cho bé yêu. Mẹ cần phải nạp đủ năng lượng để từ đó có đủ sữa cho bé yêu. Bên cạnh đó mẹ cũng cần phải uống thật nhiều nước, ăn đúng giờ đúng bữa, tránh những thức ăn có mùi như tỏi, tiêu… sẽ làm thay đổi mùi của sữa.
Với những bé thừa cân, ngày Tết là cơ hội mà các bé thoải mái thưởng thức các loại bánh kẹo hoặc nước giải khát… mà bình thường ba mẹ không cho. Vì thế sẽ tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, bé sẽ tăng cân nhanh.
Để có thể khắc phục được tình trạng này thì mẹ nên mua nhiều hoa quả và rau xanh để dự trữ. Đồng thời mẹ cũng đừng quên trộn các loại rau củ quả trước khi cho bé ăn bữa chính. Không nên để mứt bánh và nước ngọt ở tủ lạnh hay những khu vực bé có thể lấy ăn được. Bên cạnh đó mẹ cũng đừng quên cho bé tập thể dục đều đặn để giúp chăm sóc sức khỏe của bé được tốt hơn.
Trường hợp bé suy dinh dưỡng và nhẹ cân thì trong dịp Tết vì bố mẹ bận rộn càng khiến cho bé tiếp tục lười ăn hơn nữa. Vì vậy bố mẹ cần phải quan tâm đến bé thật nhiều. Mẹ có thể cho bé ăn những loại thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, hoa quả, rau xanh. Hãy cho bé ăn đúng giờ và nên cho bé ăn no trước khi đi chơi. Mẹ cũng đừng quên chuẩn bị những thức ăn cần mang theo như sữa tươi, sữa chua cùng một số đồ ăn dặm khác cho bé…
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Tiến cho biết cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng thực phẩm quá hạn. Cần giữ thói quen rửa tay sạch trước khi nấu ăn, tay có vết nhiễm trùng không nên làm thức ăn. Chuẩn bị thức ăn đúng cách, rửa thật sạch các thực phẩm trước khi nấu nướng. Các loại thịt ướp lạnh phải để cho tan đá hoàn toàn trước khi nấu nướng. Ăn các thức ăn vừa nấu chín, không bị ôi thiu. Bảo quản thức ăn bằng cách đậy kín, tránh ruồi, gián. Cho trẻ ăn uống theo chế độ ăn thông thường như lúc trước tết
Khánh Chi