Ngày Tết, “bán” sức khỏe của mình cho chiếc tủ lạnh đầy thực phẩm
Ảnh minh hoạ. |
Tích trữ ăn cả tháng
Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng tích trữ thực phẩm ăn hết cả tháng Giêng cũng không hết. Một phần cũng là do quan niệm ngày Tết phải đầy đủ, dư thừa thì cả năm mới có của ăn, của để vì thế cảnh những chiếc tủ lạnh gồng mình “gánh” Tết xảy ra ở hết các gia đình.
Mới 24 Tết, chị Bùi Khánh Hà trú tại Kim Liên, Hà Nội chia sẻ chị đặt mua một chiếc đùi bê, một ít hải sản và mua chung một con lợn thả rừng từ Sơn La gửi xuống. Cả nhà, ngoài chiếc tủ lạnh 400 lít thì chị Hà còn thêm chiếc tủ bảo ôn tích được cả con lợn 1 tạ để đại gia đình dùng dần.
Chị Hà tâm sự nếu không mua thì chị cảm giác thiếu thiếu nên thấy gì cũng mua. Đó là chưa kể còn đủ thứ thịt hun khói, thịt gác bếp rồi lạp xưởng. Năm nào cũng thế, sắm vào dịp Tết nhà chị Hà không phải mua cả tháng giêng thậm chí ra tháng 2. Lúc nào chị cũng yên tâm với những chiếc tủ lạnh cấp đông thần thánh.
Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong Tết, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Hiện nay, ngày mùng Một, Hai Tết, các siêu thị, các chợ đã bán hàng, sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng vì thế không nên bảo quản thực phẩm quá lâu, tích trữ cho đầy tủ.
Đặc biệt là thời tiết miền Bắc thường mưa ẩm khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh dẫn đến thực phẩm bị hỏng ăn vào nguy cơ bệnh tật.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm Bách Khoa cho biết nhiều người nghĩ rằng tủ lạnh chính là chiếc kho có thể bảo quản thực phẩm hiệu quả trong suốt mấy ngày Tết. Tuy nhiên, tủ lạnh chỉ là nơi kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm và lâu ôi hơn chứ không phải bảo quản tốt 100 %.
Chính vì thói quen này, năm nào đến dịp Tết cũng có những người bị đau bụng, tiêu chảy do chính thực phẩm gia đình mình. Đặc biệt, PGS Thịnh kể có nhiều trường hợp còn rã đông thực phẩm xong lại cất đi, có người mua về rồi bỏ vào các túi nilon chất đống trong tủ có nguy cơ phơi nhiễm rất cao lâu dần sinh bệnh.
Cách bảo quản
Tiến sĩ Phan Thị Bích Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ các mẹo bảo quản thực phẩm khi mua thực phẩm về không nên rửa ngay rồi cho tủ lạnh vì khi rửa sẽ kích thích sự hư hỏng và làm tăng nhanh quá trình hình thành nấm mốc. Do vậy, bạn chỉ nên rửa rau và trái cây ngay trước khi ăn mà không nên rửa rồi bỏ vào tủ lạnh, vài ngày sau mới ăn. Rửa sẽ loại bỏ các lớp bảo vệ bên ngoài, làm rau và trái cây chín nhanh hơn, đặc biệt là các loại quả thuộc họ dâu.
Khi bảo quản nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở những ngăn khác nhau của tủ lạnh và không đóng gói quá chặt. Loại bỏ các loại dây buộc hoặc dây cao su mà người bán hàng dùng để buộc rau và gói rau nhẹ nhàng bằng giấy, túi nhựa, túi vải, hoặc đồ đựng làm bằng thủy tinh.
Tránh lưu giữ rau quả trong các loại túi quá kín vì chúng sẽ bị “chết ngạt” và tăng tốc độ thối/hư hỏng.
Đa số các loại rau đều được bảo quản tốt nhất trong ngăn đựng rau của tủ lạnh. Tỏi, hành, hẹ, khoai tây, khoai lang và bí đỏ sẽ được bảo quản tốt nhất trong môi trường mát và tối.
Việc nấu nướng cũng rất quan trọng, trong khi nấu có thể phá hủy các carotenoid có tác dụng chống oxy hóa như beta- carotene, lycopene, và lutein. Luộc sẽ làm các chất này dễ hòa tan vào nước hơn và nấu chín quá kỹ (dưới bất cứ hình thức nào) cũng làm mất đi các chất dinh dưỡng do các tế bào bị phá hủy.
Để giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể, hấp, xào hoặc rán qua và đậy chặt vung nồi khi có thể. Nhìn chung, các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại nhiều hơn nếu thực phẩm ít được tiếp xúc với nước, thời gian nấu chín ngắn và ít tiếp xúc với nhiệt. Nấu trái cây và rau xanh khi còn nguyên vỏ. Không nên rửa các loại hạt quá kỹ, ví dụ như vo gạo kỹ, trừ khi hướng dẫn sử dụng viết như vậy. Rửa/vo quá kỹ có thể làm mất đi khoảng 25% lượng vitamin B1.