Ngày 12/7, công bố phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông
Cụ thể, Tòa Trọng tài sẽ công bố phán quyết vào khoảng 11h sáng (khoảng 16h Việt Nam) ngày thứ Ba, 12/7/2016 tại Hague. Đầu tiên, phán quyết sẽ được chuyển qua thư điện tử cho các bên liên quan, cùng với một thông cáo báo chí đi kèm chứa nội dung tóm tắt. Thông cáo báo chí sẽ được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, cùng một bản dịch tiếng Trung Quốc phổ thông đính kèm.
Sau khi thông báo phán quyết cho Philippines và Trung Quốc, PCA sẽ gửi phán quyết cho các quốc gia giữ tư cách quan sát viên và các bên liên quan khác, bao gồm cả các phương tiện truyền thông. PCA cũng sẽ tải lên trang web của mình một bản sao phán quyết và ra thông cáo báo chí.
Vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1/2013, với nội dung nhắm đến các yêu sách về chủ quyền đối với Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra, thể hiện rõ ràng nhất trong tấm "bản đồ 9 đoạn" (đường lưỡi bò) trong đó bao trùm tới 80% diện tích Biển Đông.
Tháng 10/2015, PCA tuyên bố quyết định nghiêng về phía Philippines sau khi xem xét các vấn đề mà Manila khởi kiện. Theo đó, tòa Trọng tài cho rằng vụ kiện của Manila là phù hợp với luật pháp, theo các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và việc Trung Quốc từ chối tham gia không ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án.
Bắc Kinh không những từ chối tham gia vụ kiện nói trên mà chính phủ Trung Quốc còn ban hành một “văn bản vị thế” về vấn đề Biển Đông vào tháng 12/2014. Văn bản này chỉ rõ quan điểm và vị thế của Trung Quốc trong vụ kiện.
Theo The Diplomat, phán quyết được mong đợi này sẽ ngay lập tức tạo nên những chia rẽ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Mặc dù PCA sẽ không đưa ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ của bất kỳ một bên liên quan nào, tổ chức này có thể sẽ quyết định tình trạng một vài khu vực tranh chấp trên quần đảo Trường Sa và một số nơi khác trên Biển Đông. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải theo UNCLOS.
Theo công ước này, các đặc tính hàng hải nhận được những quyền lợi khác nhau dựa trên việc khu vực đó được công nhận hợp pháp là đảo, đá hay bãi ngầm. Nếu là đảo sẽ nhận được nhiều quyền lợi nhất, đó là khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) bên cạnh 12 hải lý của khu vực biển nội địa.
Ngược lại, đá lại chỉ nhận được quyền của khu vực lãnh hải 12 hải lý, chứ không có thêm EEZ. Đảo nhân tạo, do Trung Quốc tự ý xây dựng trên quần đảo Trường Sa từ đầu năm 2014, sẽ không nhận được bất kỳ đặc quyền hàng hải nào theo quy định của UNCLOS.
Quan trọng hơn, có khả năng phán quyết của PCA sẽ đặt ra câu hỏi hoặc vô hiệu quá cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông của Trung Quốc do không có bất kỳ một căn cứ luật pháp quốc tế nào.
Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố nước này có chủ quyền đối với Biển Đông theo lịch sử để lại. Ngoài Trung Quốc và Philippines, tranh chấp trên Biển Đông còn có sự tham gia của các bên gồm Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập theo Công ước Hague 1899 về giải quyết các tranh chấp quốc tế. PCA có 121 quốc gia thành viên. Có trụ sở tại Hague, Hà Lan, PCA đưa ra những phân xử, hòa giải, tìm kiếm bằng chứng và giải quyết tranh chấp giữa các nhóm quốc gia, các quốc gia đơn lẻ, các tổ chức liên chính phủ và cả các bên riêng rẽ.
Phòng quốc tế của PCA đang thi hành 8 vụ tranh chấp liên quốc gia, 71 vụ phân xử về đầu tư và 34 trường hợp phát sinh từ hợp đồng liên quan đến một quốc gia hay một thực thể công khác.
Tháng 7/2013, Tòa án trong vụ việc Philippines và Trung Quốc đã chỉ định PCA là tổ chức tiếp nhận vụ kiện. Theo quy định về thủ tục của tòa quốc tế, PCA sẽ “duy trì các dữ liệu của vụ kiện và cung cấp các dịch vụ đăng ký theo hướng dẫn của Tòa trọng tài”.
Các dịch vụ đó bao gồm trợ giúp trong việc tìm kiếm và chỉ định chuyên gia, công bố thông tin về vụ kiện và ban hành thông cáo báo chí, tổ chức các buổi điều trần tại Cung điện Hòa bình ở Hague (trụ sở của PCA) và quản lý tài chính vụ việc như nhận tiền đặt cọc chi phí tòa án, trả phí tòa, phí chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật…
PCA đã xử lý 12 trường hợp do các quốc gia khởi xướng theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.