Ngành nào hot nhất Đại học Công nghệ Giao thông vận tải 2020?
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu nguồn nhân lực ngành xây dựng, trong đó có ngành xây dựng công trình giao thông Việt Nam mỗi năm cần thêm vài trăm nghìn người. Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đang là một cái tên hot hiện nay.
Trong chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay, giao thông vận tải (GTVT) được xác định là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo đó, ngành GTVT Việt Nam đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc, đạt được kết quả tích cực trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng về cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân và dịch vụ lưu thông, vận chuyển hàng hoá cho các thành phần kinh tế.
Vậy thí sinh muốn đầu quân vào trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải nên chọn ngành hot nhất trong tương lai?
TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng khoa Công trình ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho hay: “Khi lựa chọn ngành nghề đa số sinh viên đều quan tâm đến việc sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm tốt nhất.
Với trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải các nhóm ngành công nghệ kỹ thuật giao thông, kỹ thuật ô tô nhận được sự quân tâm của rất nhiều thí sinh cũng như các đơn đặt hàng của các đơn vị trong và ngoài nước về nhân lực liên quan đến nhóm ngành này, nhất là Logistics và quản lý công chuỗi thương mại điện tử, Logistics và đa phương thức cũng như công nghệ thông tin ở lĩnh vực giao thông vận tải.
Những ngành tôi vừa liệt kê, với phương châm định hướng theo công nghệ nên ngoài trang bị kiến thức ở trên lớp thì thời gian còn lại sinh viên thực hành ở các doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm.
Sinh viên tốt nghiệp những ngành trên có tỷ lệ việc làm tương đối tốt, chiếm khoảng 90%”.
Ảnh minh họa |
Thực tế là hiện nay chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng công trình giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình địa chất phức tạp, công trình thi công trong điều kiện không thuận lợi…
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi khi đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước, dẫn đến phải làm thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế.
Nắm bắt được điều này, thời gian vừa qua ĐH Công nghệ Giao thông vận tải rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo TS. Ngô Thị Thanh Hương thì công nghệ giao thông cũng là điểm mạnh của trường. “Tính chất công nghệ là điểm mạnh của nhà trường, sinh viên học tạo trường sẽ được học 40% kiến thức thực hành, thực tập, đảm bảo chương trình đào tạo sinh viên sau học lý thuyết được thực hành tại xưởng, công trường. Khi ra trường sinh viên có thể bắt tay vào thực tế ngay lập tức, tức là ứng dụng thực hành và thực nghiệm. Tất nhiên không lo chuyện ra trường mà “như tờ giấy trắng” về thực hành”, TS. Ngô Thị Thanh Hương cho hay.
Theo TS. Vương Đức Sơn – phụ trách đào tạo trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải thì trường đào tạo 4 khối ngành chính: Cơ khí, Công nghệ thông tin, Công trình và Kinh tế.
Mỗi khối ngành lại gồm nhiều chuyên ngành, như khối công trình lại gốm công nghệ kỹ thuật giao thông, công nghệ kỹ thuật môi trường, cơ khí (công nghệ kỹ thật ô tô, kỹ thuật điện tử). Tương tự công nghệ thông tin cũng có nhiều chuyên ngành khác được đào tạo ở 3 cơ sở: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Hoàng Thanh