Nga xây dựng căn cứ quân sự tại thành phố cổ Palmyra
Một quan chức UNESCO cho biết hiện vẫn chưa rõ chính xác vị trí của căn cứ mới này, tuy nhiên ông cho biết nó không ảnh hưởng đến các khu di tích khảo cổ.
Một trại lính tạm thời của Nga được dựng lên tại thành phố Palmyra, Syria. |
Thành phố cổ Palmyra đã được giải phóng sau khi quân đội Syria, cùng với sự hỗ trợ của không quân Nga, đánh đuổi phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Từ đó đến nay, giao tranh ở các khu vực lân cận của thành phố vẫn tiếp tục diễn ra, và mới đây IS đã chiếm được mỏ khí đốt Jazal, cách Palmyra 25km về hướng Tây Bắc.
Chuyên gia phá bom Nga đã cho nổ hàng trăm quả mìn do IS để lại tại các khu di tích lịch sử kể từ khi thành phố bị tổ chức này chiếm đóng.
Ông Maamoun Abdulkarim, người đứng đầu Cục Bảo tàng và Cổ vật Syria trả lời hãng thông tấn AP rằng Nga đang xây dựng các doanh trại nhỏ có các phòng khám chữa bệnh. Ông cho biết sự hiện diện của quân đội Syria và Nga là rất cần thiết để ngăn IS không quay trở lại.
Một quan chức UNESCO giấu tên đã đến thăm các điểm khảo cổ ở Palmyra vào cuối tháng 4 cho biết, nếu căn cứ quân sự của Nga nằm trong vùng đệm bảo vệ các di tích lịch sử ở Palmyra, điều đó có nghĩa là Nga đã vi phạm hiệp ước quốc tế. Syria đã ký tên vào Công ước La Hay Bảo vệ Tài sản Trí tuệ trong Trường hợp Xung đột có Vũ trang Xảy ra, được soạn thảo vào năm 1954.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu các ảnh chụp vệ tinh để kiểm tra xem căn cứ của họ có nằm trong vùng đệm hay không”, vị quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, mặc dù bày tỏ ý nghi ngại quân đội Nga, người này nói rằng căn cứ tại Palmyra của Nga sẽ là tạm thời, và nói rằng “IS không ở xa thành phố và chúng đang tìm cách quay trở lại, do đó hiểm họa đối với các di tích lịch sử vẫn còn”.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria vào tháng 9/2015, quân đội chính phủ Syria thuộc sự kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại được thế chủ động trong cuộc nội chiến. Đến tháng 3 vừa qua, Nga đã cho rút bớt lực lượng chủ lực của mình về nước.
Trong vòng 10 tháng chiếm đóng thành phố Palmyra, phiến quân IS đã phá hủy Đền thờ Bel được xây dựng từ năm 32 sau Công nguyên, Đền thờ Baalshamin và Cổng Chiến thắng được dựng lên vào thời hoàng đế La Mã Septimius Severus trong khoảng năm 193 đến năm 211 sau Công nguyên.
“Vào thời chiến, đôi lúc các cơ quan khảo cổ không có quyền tự quyết và chính phủ phải đặt ưu tiên an ninh lên hàng đầu”, ông Abdulkarim nói. “Một khi tình hình được cải thiện và hòa bình được lặp lại, chúng tôi sẽ yêu cầu Nga dỡ bỏ căn cứ quân sự tại Palmyra”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.