Nga và NATO đang thử thách lòng kiên nhẫn của nhau ở Đông Âu
Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 6 đã xảy ra nhiều vụ việc đối đầu nhau, trong đó bao gồm việc một máy bay chiến đấu Nga ngăn chặn một oanh tạc cơ Mỹ B-52 ở Biển Baltic vào đầu tháng, một phi cơ Nga khác bay chỉ cách máy bay do thám của Không quân Mỹ vài mét vào giữa tháng, và một máy bay F-16 đã bay quanh máy bay của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga vài ngày sau đó.
Một máy bay tiêm kích Nga bay sát máy bay quân sự Mỹ. |
Các quan chức phương Tây, cùng với tổ chức nghiên cứu Global Zero đã tiến hành phân tích 97 lần máy bay Nga và phương Tây đối đầu nhau tại vùng Baltic từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2017, khẳng định rằng các lần chạm trán kể trên phần lớn là do phi công Nga lơ là trách nhiệm hoặc cố ý thể hiện sức mạnh.
“Những gì chúng ta đang thấy ở Biển Baltic đó là sự gia tăng của các hoạt động quân sự. Chúng ta thấy nó xảy ra dưới đất, trên biển và trên không, điều này càng cho thấy tầm quan trọng của sự minh bạch trọng hoạt động quân sự để phòng ngừa những vụ việc không đáng có”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. “Và nếu những vụ việc như vậy xảy ra, chúng ta cần phải đảm bảo rằng chúng ta không bị mất kiểm soát và dẫn đến những tình huống xấu”.
Các quan chức phương Tây và các chuyên gia đều tin rằng Moscow đang tận dụng những vụ việc như vậy để khẳng định ảnh hưởng địa chính trị cũng như đáp trả những sự kiện xảy ra tại Châu Âu hoặc ở Syria. Nga đã lên tiếng phủ nhận và gọi những báo cáo về hoạt động của máy bay Nga trong khu vực là một phần của “hội chứng sợ Nga”.
Nga và NATO đều đang thực hiện các chiến lược nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hấn ở vùng Baltic. Song sự gia tăng của các lần máy bay quân sự hai bên chạm trán nhau diễn ra trong bối cảnh cả hai đang đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Đông Âu.
Trong tháng 7 này, 25.000 binh lính từ Mỹ và 23 quốc gia khác sẽ tham gia vào cuộc tập trận Saber Guaridain diễn ra tại Bulgaria, Hungary và Romania. Cuộc diễn tập này được cho là “có quy mô và mục tiêu lớn hơn” so với các cuộc tập trận trong quá khứ. Máy bay ném bom Mỹ cũng đã có mặt tại Anh vào tháng 6 để chuẩn bị cho hai đợt tập trận ở vùng Baltic.
Sau đó, Nga và Belarus cũng sẽ tập trận quân sự vào tháng 9 tới, dự kiến sẽ có sự tham gia của 100.000 binh lính và có các hoạt động huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các nước lân cận đều đã bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tập trận trên có thể sẽ khiến Nga bố trí quân đội thường trực tại Belarus. Mỹ có ý định bố trí binh lính tại ba nước Estonia, Latvia và Lithuania và sẽ luân phiên điều động máy bay chiến đấu nhằm đối phó với Nga.
Sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức, một vài quốc gia Đông Âu đang bắt đầu nâng cấp khả năng phòng không của mình với sự trợ giúp của Mỹ. Đầu tháng 7 này, Ba Lan đã ký kết một bản ghi nhớ với Mỹ để mua về tên lửa Patriot với tổng trị giá 8 tỉ USD.
Tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chấp thuận bán tên lửa Patriot cùng các thiết bị đi kèm cho Romania, có tổng trị giá 3,9 tỉ USD. Tên lửa Patriot cũng đã được bố trí tạm thời ở Lithuania. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần phát biểu rằng việc triển khai tên lửa phòng không của các nước NATO sẽ là “mối nguy hiểm lớn” và sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp.