Nga – Thổ bắt tay dàn xếp chiến sự ở Syria, Mỹ đã hoàn toàn buông xuôi?
Hôm 22/10 là thời điểm thỏa thuận ngừng bắn có thời hạn 5 ngày được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thi hành ở biên giới đông bắc Syria hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc các tay súng người Kurd đối mặt với nguy cơ tiếp tục bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Lực lượng cảnh sát quân sự Nga. (Ảnh: Sputnik) |
Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn đã xảy đến cùng ngày khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đồng thuận ký kết một thỏa thuận mới nhằm duy trì an ninh ở khu vực biên giới đông bắc Syria.
Thỏa thuận giữa Nga – Thổ bao gồm điều khoản cho phép các tay súng người Kurdrút quân khỏi vùng biên giới đông bắc Syria, trong khi quân chính phủ Syria tiếp quản khu vực này với vai trò là lực lượng bảo vệ biên giới.
Ngoài ra, Ankara tiếp tục tiếp quản lý khu vực nằm trong lãnh thổ Syria mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được sau những ngày giao tranh với người Kurd. Song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công để giành thêm phần đất nằm trên toàn chiều dài biên giới đông bắc Syria, nơi có đông người Kurd sinh sống.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát quân sự Ngacũng được triển khai tới khu vực để tham gia cả hoạt động tuần tra chung với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảo bảo các bên tham chiến duy trì sự bình tĩnh và tránh giao tranh.
Hôm 23/10, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ bỏ rơi đồng minh người Kurd và đẩy người Kurd vào cảnh phải tự chiến đấu chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu nay, Mỹ là lực lượng ủng hộ cho các tay súng người Kurd hoạt động ở Syria để tham gia chiến dịch chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành. Tuy nhiên, Ankara cho rằng các lực lượng do người Kurd đứng đầu ở Syria chính là một phần của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị xem là lực lượng khủng bố hoạt động lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hôm 7/10, Tổng thống Donald Trump quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi khu vực phía đông bắc Syria. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía các chính trị gia Mỹ khi cáo buộc ông Trump “phản bội” đồng minh người Kurd.
Chiến thắng ngoại giao giành cho Nga
Chia sẻ với RT, ông Grigory Lukyanov, giảng viên tại Trường Kinh tế ở Moscow nhận định, thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết chứng minh Nga có thể đóng vai trò như trung gian hòa giải trong tình huống cực kỳ phức tạp và có nguy cơ dẫn tới thảm họa như thương vong lớn cho dân thường và chiến sự ở khu vực biên giới đông bắc Syria leo thang.
Cảnh sát quân sự Nga được triển khai tới thị trấn Kobani. (Ảnh: RT) |
“Nga đang đảm nhận trách nhiệm mà Mỹ đã thất bại khi không thể đảm bảo đối với cả người Kurd ở Syria và với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Lukyanov nói.
Người Kurd ở Syria từng được Mỹ bảo vệ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm người Kurd đóng vai trò là đồng minh quan trọng và là lực lượng chiến đấu dưới mặt đất thực hiện chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm tiêu diệt các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Song Ankara tỏ ra vô cùng tức giận trước việc Mỹ trang bị vũ khí và huấn luyện cho các tay súng người Kurd trước mối lo đây có thể là mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Tổng thống Trump quyết định “buông tay” người Kurd, nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước. Thậm chí, ông Trump còn bị cáo buộc "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát người Kurd ở Syria. Và thỏa thuận an ninh giữa Nga – Thổ đã hoàn toàn làm thay đổi tình hình căng thẳng ở biên giới đông bắc Syria.
“Mục tiêu chính của thỏa thuận là ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai ‘Chiến dịch mùa xuân hòa bình’. Chúng ta sẽ xem thỏa thuận giữa Nga – Thổ được thực thi trên thực tế như thế nào. Như tôi biết, cả hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ đều bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ phát huy hiệu quả”, ông Lukyanov nói thêm.
Mỹ đã hoàn toàn buông xuôi?
Cũng theo ông Lukyanov, những diễn biến ở Syria sau thỏa thuận an ninh giữa Nga – Thổ không nên bị xem là sự thất bại thảm hại của Mỹ.
Mỹ rút quân khỏi Syria. (Ảnh: WSJ) |
Bởi trên thực tế, Washington không có ý định sơ tán toàn bộ căn cứ quân sự khỏi khu vực biên giới giữa Syria và Jordan. Nói cách khác, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực của người Kurd ở Syria, nhưng tránh xa vùng biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích tình hình Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại Nga tại thủ đô Moscow, ông Ruslan Mamedov cho rằng cái gọi là duy trì một số lượng nhỏ binh sĩ ở Syria để “bảo vệ các mỏ dầu” chính là nền tảng duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ thay vì tham chiến “tiêu diệt khủng bố” hoặc “bảo vệ các đồng minh”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng muốn ghi thêm điểm bằng cách tiếp tục rút binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria trong thời điểm cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2020 đang đến gần.
“Ông Trump có thể sẽ còn đưa ra tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria khi đây là một phần trong chiến lược tái tranh cử. Dù trên thực tế, một số binh sĩ Mỹ vẫn ở lại Syria”, ông Mamedov cho hay.
Còn theo ông Lukyanov, việc duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria sẽ không còn nằm trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Nói cách khác, Mỹ dường như không quan tâm tới quá trình chuyển giao sau chiến tranh ở Syria diễn ra như thế nào.
“Trái lại, thỏa thuận giữa Nga – Thổ là việc ký kết giữa hai nước liên quan trực tiếp tới việc quyết định tương lai của Syria và xúc tiến giải pháp chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến ở Syria”, ông Lukyanov kết luận.
Theo đoạn video được Ruptly công bố, quân đội Nga đã được triển khai tới thị trấn Kobani của Syria. Một đơn vị quân đội khác của Nga cũng đã có mặt ở Manbij, thị trấn chiến luợc nằm ở tỉnh Aleppo và cách biên giới Thổ Nhĩ kỳ khoảng 30 km.
Đoạn video ghi lại cảnh các xe cảnh sát quân sự treo cờ Nga tuần tra trên những con đường ở thị trấn Manbij vào ngày 23/10, sau khi Ankara và Moscow đồng thuận ký kết thỏa thuận duy trì an ninh ở biên giới đông bắc Syria hôm 22/10.
Trước đó, những binh sĩ Nga đầu tiên đã đặt chân tới thị trấn Manbij vào giữa tháng 10 cùng với quân đội chính phủ Syria để đảm bảo an ninh cho người dân trong khu vực, sau khi binh sĩ Mỹ rút quân khỏi đây.
Video: Lực lượng cảnh sát quân sự Nga tiến hành tuần tra ở Manbij