Nga sửa học thuyết hải quân đối phó với NATO
RT đưa tin học thuyết mới của Nga sẽ tập trung đưa lực lượng hải quân quốc gia tới hiện diện ở bán đảo Crimea và Bắc Cực.
Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức cấp cao Nga trên tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Baltyisk hôm 26/7, phó Thủ tướng Rogozin nhấn mạnh lý do chính để chỉnh sửa học thuyết hải quân năm 2011 là do “những thay đổi trong tình hình quốc tế” và củng cố vị thế cường quốc hàng hải của Nga.
Nga sẽ tăng cường hiện diện hải quânở Crimea và Bắc Cực. |
Nội dung chính trong bản sửa đổi lần này là việc tăng cường sự hiện diện của Hải quân Nga ở Bắc Cực và Đại Tây Dương. “Sự chú trọng tới khu vực Đại Tây Dương xuất phát từ việc NATO chủ động hành động tiếp cận biên giới của chúng ta”, ông Rogozin giải thích.
“Vị trí thứ hai là hai khu vực đã sáp nhập vào Nga gồm bán đảo Crimea và Sevastopol. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ khôi phục sự hiện diện của hạm đội hải quân ở khu vực Địa Trung Hải”, phó Thủ tướng Rogozin nói thêm.
Ông Rogozin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga tại Bắc Cực cũng như “vị trí chiến lược của tuyến đường biển phương Bắc”, buộc Moscow phải nâng cấp hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo đó, Nga đã bắt đầu tiến hành đóng thêm một hạm đội tàu phá băng mới. Và 3 hạm đội này sẽ chính thức hoạt động trong các năm 2017, 2019 và 2020.
Học thuyết hải quân của Nga còn nhắc tới 4 nhiệm vụ và 6 khu vực trọng điểm. Bốn nhiệm vụ bao gồm hoạt động hải quân, giao thông đường biển, nghiên cứu khoa học biển và phát triển các nguồn tài nguyên khoáng chất. Sáu khu vực chiến lược được Nga nhắm tới là Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, biển Caspi, Ấn Độ Dương và Nam Cực.
Học thuyết mới được Tổng thống Putin phê chuẩn hôm 26/7 tại Baltyisk, nơi nhà lãnh đạo Nga tham gia các sự kiện kỷ niệm Ngày Hải quân quốc gia. Ông Putin nhấn mạnh học thuyết mới là “một sự kiện quan trọng đối với tương lai của Hải quân Nga”.
Đây cũng là lần đầu tiên, học thuyết hải quân của Nga nhắc tới các lĩnh vực xã hội như y tế hải quân, phương pháp tăng cường sức khỏe cho thủy thủ và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực hải quân.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.