Nga sẽ 'vượt mặt' Mỹ, bắt tay Ả Rập Xê-út về giá dầu?
Diễn biến gây xôn xao nhất tại diễn đàn là chuyến thăm của Phó Thái tử, Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman, một sứ giả của vua Ả Rập Xê-út tới Nga. Vị Phó Thái tử này đã mang thông điệp hoàng gia tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, mời ông đến thăm Ả Rập Xê-út. Lời mời này đã ngay lập tức được chấp nhận.
Tin tức trên gây chú ý bởi đây là đoàn cấp cao hiếm có của một đồng minh lâu năm của Mỹ tới thăm Nga, một quốc gia đang bị Washington trừng phạt.
Cuộc gặp giữa Phó Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/6/2015. |
Nhiều chuyên ra cho rằng chuyến thăm trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Không khí ấm áp tại cuộc gặp giữa Phó Thái tử và Tổng thống Nga Putin cũng là bằng chứng cho thấy Nga, một nhà sản xuất dầu không thuộc Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang trở nên gần gũi hơn đối với tổ chức này.
Điều đó có nghĩa rằng, tiếng nói của Nga ít hay nhiều cũng sẽ có ảnh hưởng tới quyết định của OPEC về sản xuất dầu mỏ.
Nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ MK Bhadrakumar nhận định, Ả Rập Xê-út và Nga có nhiều lý do để hợp tác chặt chẽ hơn. Trong số đó có việc Mỹ đang giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Trung Đông khi có những thành công lớn trong việc khai thác đá phiến sét. Ngoài ra, việc Mỹ chuyển trọng tâm dần từ Trung Đông sang châu Á cũng khiến Ả Rập Xê-út lên kế hoạch tìm những người bạn mới.
Nga đang 'qua mặt' Mỹ trong cuộc chiến giá dầu? |
Trong khi đó, tờ Asia Times nhận định, chuyến thăm của Phó Thái tử Ả Rập Xê-út là “tia sáng” đầu tiên về việc cuộc chiến giá dầu hiện tại sẽ chấm dứt. Ả Rập có thể sẽ giảm sản lượng sản xuất để nâng giá dầu.
Asia Times viết: “Các sự kiện như Nga và Ả Rập Xê-út thảo luận về các thỏa thuận hợp tác lớn, kí kết 6 thỏa thuận công nghệ hạt nhân; ông Putin và Phó Thái tử thảo luận về giá dầu có thể là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến về giá dầu sắp chấm dứt".
Gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Ali al-Naim đã công khai phát biểu rằng: "Tôi lạc quan về tương lai của thị trường dầu mỏ trong những tháng tới”. Ông dự đoán, giá dầu mỏ sẽ tăng hơn vào cuối năm nay.
Ông Ali al-Naimi cũng công khai ca ngợi sự tăng cường hợp tác giữa Ả Rập Xê-út và Nga. Ông nói: “Điều này sẽ tạo ra một liên minh dầu khí giữa hai nước nhằm đem lại lợi ích cho thị trường dầu mỏ quốc tế”.
Bộ trưởng Nội vụ Ả Rập Xê-út, Thái tử Mohammed bin Nayef, trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5/2015. |
Trong khi đó, ông Abdulrahman Al-Rashed, Tổng giám đốc của Kênh truyền hình "Al Arabiya News Channel" cho rằng: “Tôi khó có thể tưởng tượng rằng Ả Rập Xê-út đã quyết định quay mặt với các đồng minh của mình. Tuy nhiên, có lẽ Ả Rập Xê-út muốn thoát ra khỏi cái góc chật chội của Mỹ và mở rộng sự lựa chọn của mình”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có sẵn sàng đứng sang một bên và bị Nga chiếm mất vị trí là đồng minh chính của Ả Rập Xê-út hay không? Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Ả Rập Xê-út và Nga sẽ khiến Mỹ thêm quan ngại bởi nó còn giúp Nga giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt mà Moscow đang phải hứng chịu vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài vấn đề năng lượng, hai nước có thể hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác như nghiên cứu không gian vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Điều đó sẽ góp phần lớn vào việc thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Hơn nữa, Ả Rập Xê-út và Nga đang đối lập quan điểm về hàng loạt các vấn đề chính trị như ở Iran, Syria, và Yemen. Đặc biệt, mối quan hệ truyền thống chặt chẽ giữa Nga với Iran đã khiến cho quan hệ với Ả-rập Xê-út lạnh nhạt trong những năm gần đây. Nga ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong khi Ả-rập Xê-út luôn lên tiếng phản đối. Những khác biệt này sẽ là những rào cản lớn đối với sự hợp tác giữa hai nước.
Tại cuộc gặp ở St. Petersburg, ông Putin và ông Mohammed bin Salman cũng đã thảo luận về các vấn đề trên.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về việc Ả Rập Xê Út có khả năng tăng giá dầu một cách dễ dàng. Ả Rập Xê-út có thể nhanh chóng giảm giá dầu bằng cách tăng cường sản lượng sản xuất. Nhưng để đẩy giá lên cao lại là một câu chuyện khác, đòi hỏi các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu cùng đồng thời cắt giảm sản lượng. Một vấn đề không nằm trong tầm tay của nước này.
Đồng thời, một khi giá cả tăng cao, các nhà sản xuất toàn cầu sẽ tất yếu muốn tăng sản lượng, dẫn đến lượng cung tăng. Do vậy việc giá dầu tăng sẽ chỉ diễn ra tạm thời.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang Oilprice.com, một trang tin tức về năng lượng lớn, chuyên các bài phân tích về dầu mỏ, khí đốt, các nguồn năng lượng thay thế và các vấn đề địa chính trị. Đây là một trang đối tác của hãng tin CNBC (Mỹ).