Nga sẽ "tấn công hạt nhân phủ đầu" lên phương Tây?
Mùa thu năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết quân sự của đất nước để đương đầu với cuộc khủng hoảng Ukraina và kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa.
Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, nếu theo học thuyết quân sự này, người ta cho rằng mọi điều đều có thể xảy ra.
Hơn nữa, một số chuyên gia nhận định Nga có thể thêm một điều khoản mới vào học thuyết quân sự của họ, đó là quốc gia này có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Điều này cho thấy Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới.
Xét trong bối cảnh của những sự kiện diễn ra gần đây, theo nhận định của The Moscow Times - một tờ báo độc lập ở Nga, ý tưởng đó dường như hoàn toàn có lý. Trong thực tế, cách đây bốn năm, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã hứa hẹn trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia rằng những thay đổi như vậy sẽ xuất hiện trong học thuyết quân sự.
Tuy nhiên, theo một quan chức cao cấp của Hội đồng Bảo an Nga: "Trong bản dự thảo mới của học thuyết quân sự, các điều khoản liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga không thay đổi”.
Hơn nữa, nếu xảy ra trường hợp Nga thêm vào điều khoản cho phép một cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ chắc chắn đã đặt đất nước vào tình trạng “sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công trả đũa”, theo đó quốc gia này sẽ khởi động tên lửa ngay lập tức khi biết đối phương đã thủ thế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo cuối năm tại Moscow ngày 18/12/2014 |
Tuy nhiên, cũng theo vị quan chức trên, hiện tại học thuyết quân sự của Nga sẽ bao gồm một điều khoản gọi là "răn đe phi hạt nhân".
Ông cho biết: "Những mối đe dọa và thách thức quân sự hiện tại đòi hỏi phải có sự đối phó. Cụ thể hơn, những mối đe dọa và thách thức ở đây bao gồm chiến tranh giấu mặt, kế hoạch của kẻ thù chúng tôi, một “cuộc đình công toàn cầu” và một “cuộc chiến tranh không gian mạng”. Một trong những kế hoạch đối phó lại sẽ là “một hệ thống răn đe phi hạt nhân”".
Ông cũng nói thêm rằng các lực lượng không quân và hải quân sẽ gánh vác trách nhiệm chính trong việc "ngăn chặn" đe dọa và thách thức.
Rõ ràng, ý tưởng răn đe hạt nhân dựa trên mối quan ngại về "sự hủy diệt lẫn nhau". Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào Nga có thể đối phó với những mối đe dọa này mà không cần vũ khí hạt nhân. Ít nhất, họ sẽ phải đạt được sự cân bằng với NATO về các loại vũ khí thông thường.
Tuy nhiên, Nga không thể đạt được điều này trong bối cảnh hiện tại. Tờ Moscow Times nhận định, ngay cả sau khi điện Kremlin đổ những khoản tiền khổng lồ vào việc hiện đại hóa quân đội thì lực lượng NATO vẫn chiếm thế thượng phong hơn nhiều lần so với Nga.
Hơn nữa, xu hướng nhân khẩu học tiêu cực của Nga khiến cho số lượng binh lính của nước này còn “thua xa” so với tổng lực lượng của Mỹ. Kết quả là, ngay cả khi Nga có thể sản xuất thần tốc tàu và máy bay tương đương với số lượng NATO hiện có, thì nước này cũng không đủ nhân lực để điều khiển chúng.
Các chuyên gia tư vấn đưa ra giả thuyết "răn đe phi hạt nhân" là một cuộc chạy đua vũ khí thông thường. Cuộc đua này sẽ hủy hoại nền kinh tế Nga hoàn toàn, nhưng lại tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho một số ít các quan chức giám sát các ngành khác nhau trong lực lượng vũ trang.
Mặt khác, "răn đe phi hạt nhân" cũng có thể đề cập đến các cuộc thập tự chinh mà Kremlin đã công bố nhằm chống lại "các cuộc cách mạng màu" - mà họ tin rằng các cơ quan tình báo phương Tây âm mưu thực hiện.
Một quan chức giấu tên có vai trò trong việc sửa đổi học thuyết quân sự của Nga lên tiếng: "Các sự kiện liên quan đến vấn đề Ukraine đã tạo ra những thách thức và mối đe dọa nguy hiểm hơn mọi sự kiện trước đây”. Điều này cho thấy "răn đe phi hạt nhân" có thể chính là cuộc chiến giấu mặt mà Nga đang triển khai tại Ukraine.
Một phần của chiến lược này có thể bao gồm việc biến những nhà nước tự xưng thành đồng minh. Vị quan chức giấu tên cũng bổ sung: "Học thuyết quân sự sửa đổi sẽ bao gồm một điều khoản về việc tạo ra một không gian phòng thủ duy nhất, trong đó Abkhazia và Nam Ossetia là đồng minh quân sự của Nga".
Ông cũng khẳng định thẳng thắn về tình hình địa chính trị hiện nay: "Đây là một học thuyết vô cùng quan trọng... Đặc biệt nó chứng minh thực tế rằng Nga chỉ có một hoặc hai đồng minh quân sự".
Ông nói thêm rằng điều khoản trong học thuyết "có lẽ chỉ là tuyên bố hiện thời, chưa có sự khẳng định rõ ràng, và có thể Nga sẽ không “lôi kéo” các nhà nước tự xưng”.
Tuy nhiên việc Nga lôi kéo đồng minh hoàn toàn có thể xảy ra. Có thể Moscow sẽ sớm công bố họ công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk và chính thức liệt kê hai “nước” này vào danh sách đồng minh. Bằng cách này, ông Putin có thể gia tăng vị thế của đất nước mình trên toàn thế giới.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.