Nga sẽ bị "vùi" trong khủng hoảng?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thể dễ dàng đánh bại Ukraine để sáp nhập bán đảo Crimea nhưng ông đã thua trên một chiến trường khác trong vài tuần qua, đó là thị trường tiền tệ toàn cầu. Vậy tiếp theo nước Nga sẽ làm gì để thoát ra khỏi khó khăn hiện tại?
Trung Quốc giúp đỡ? Không dễ
Nga luôn được coi là "người anh lớn" của Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, trong tuần qua, truyền thông toàn cầu có nhiều bài phân tích về cách thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giúp Nga vượt qua những khó khăn hiện tại.
Trên internet, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ và mang chủ nghĩa dân tộc, đang cảm thấy tự hào về Trung Quốc hơn bao giờ hết vì cho rằng giờ đây Trung Quốc đã mạnh đến nỗi "có thể giúp Nga".
Một cửa hàng trao đổi tiền tệ ở Nga. |
Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn cầu, cả phương Tây và Trung Quốc đều không nắm rõ được tình hình của Nga hiện tại, do đó, Trung Quốc sẽ không thể giúp Nga thoát được khủng hoảng.
Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc có khả năng cung cấp đủ vốn, công nghệ và thị trường cho Nga, nhưng những nỗ lực cũng không mấy hiệu quả nếu nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu dầu mỏ và thiếu sự đa dạng về cơ cấu.
Nếu đầu tư của Trung Quốc vào Nga tăng mạnh trong điều kiện hiện tại, Moscow có thể nghi ngờ Bắc Kinh có động cơ thầm kín nào đó. Nga không muốn trở thành một chư hầu của nền kinh tế Trung Quốc, và Trung Quốc phải hiểu được ranh giới đó.
Trung Quốc sẽ buộc phải đóng vai trò trung gian hòa giải tích cực giữa Nga và Mỹ nếu không sẽ phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị không thể tránh khỏi nếu xung đột giữa họ leo thang và vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã không có bất kỳ tác động lớn nào đối với Trung Quốc khi Phố Wall ở quá xa và các nhà đầu tư Trung Quốc thường chỉ cảm thấy khủng hoảng kinh tế trên Internet. Nhưng giờ, mọi chuyển đã khác.
Nga có vị trí địa lý rất gần với Trung Quốc và người Trung Quốc có một tình cảm đặc biệt với Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga dường như cũng bất lực với cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay. |
Dự trữ ngoại tệ khổng lồ cũng “bó tay”
Hơn nữa, kho dự trữ khổng lồ của Nga dường như cũng bất lực với diễn biến của đồng rúp vừa qua. Theo hãng tin Bloomberg, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga không hề đơn giản khi những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga như bán ngoại tệ và nâng lãi suất không có mấy tác dụng.
Điều đó khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính của những năm 1990 (Mexico năm 1994, Nga và châu Á năm 1998, Argentina năm 2001), những nước có này đã mua các tài sản an toàn trị giá hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ mình trong những tình huống tương tự như Nga đang trải qua. Trong trường hợp gặp một cú sốc kinh tế, ngân hàng trung ương sẽ bán tài sản nước ngoài đó để bảo vệ đồng tiền của mình.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, chính các nguồn dự trữ đã giúp các thị trường mới nổi trên thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng sau những gì vừa diễn ra ở Nga tuần vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, dự trữ ngoại tệ có thể phần nào bảo vệ thị trường trong nước khỏi các cú sốc bên ngoài nhưng lại không thể giúp giải quyết được các vấn đề trong nước.
Nhà kinh tế học Carmen Reinhart, thuộc Đại học Harvard, cho biết: "Dự trữ không thể bù đắp cho những yếu tố cơ bản yếu kém. Ngân hàng Trung ương Nga có thể bán nguồn dự trữ và tăng lãi suất, nhưng không thể in USD".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết sẵn sàng giúp đỡ Nga. |
Theo Reinhart, các nguồn dự trữ có tác dụng chủ yếu là kéo dài thời gian. Tuy nhiên, ông nói: “Nhưng bạn cần tận dụng thời gian để thay đổi các chính sách và phục hồi niềm tin, nếu không bạn sẽ đốt sạch nguồn dự trữ”.
Còn nhiều “đường thoát”?
Tuy nhiên, theo tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ, nền kinh tế Nga không dễ gì sụp đổ bất chấp những khó khăn hiện tại.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga, trong đó có cả năng lượng và vũ khí, đều được thanh toán bằng đồng USD và đồng euro. Khi đồng rúp suy yếu, các công ty xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Hơn nữa, đồng rúp suy yếu cũng biến các món hàng nhập khẩu từ châu Âu trở nên xa xỉ, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước. Điều này cũng giúp Nga “trả đũa” các nền kinh tế châu Âu đang xuất khẩu mạnh sang Nga.
Nga cũng có thể khai thác và tích trữ thêm vàng, kim cương và bạch kim để bù đắp và tăng cường thêm kho dự trữ ngoại hối đang bị vơi đi để cứu đồng rúp.
Chưa kể đến, giá dầu có nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại trong năm 2015, đặc biệt khi xét đến việc nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông có thể bị hạn chế trong trường hợp xuất hiện các cuộc khủng hoảng địa chính trị ở đây. Và với giá đồng rúp như hiện nay, chỉ cần giá dầu tăng một chút cũng đã làm dịu đáng kể cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại của Nga.
Do vậy, có lẽ việc phương Tây ăn mừng thất bại của Moscow hiện tại là quá sớm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ hãng tin Bloomberg, tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong và tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc.