Nga: Qua cơn khủng hoảng nội tệ nhưng chưa thể thở phào nhẹ nhõm
Tuần trước, đồng rúp đã giảm về mức thấp nhất kể từ khi giá dầu giảm mạnh. Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt là trụ cột của nền kinh tế Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây trong cuộc khủng khoảng ở Ukraine đã khiến các doanh nghiệp trong nước gần như không thể vay mượn ở thị trường phương Tây.
Nhưng nó đã hồi phục rõ rệt sau những động thái của chính quyền Moscow nhằm ngăn chặn sự trượt giá và kiềm chế lạm phát. Sau nhiều năm ổn định, điều này đang đe dọa uy tín của Tổng thống Vladimir Putin đối với bảo đảm thịnh vượng của đất nước.
Những biện pháp này bao gồm tăng lãi suất từ 10,5% đến 17%, hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và kiểm soát nguồn vốn không chính thức.
"Lãi suất cơ bản đã được nâng lên để ổn định tình hình thị trường tiền tệ... Theo quan điểm của chúng tôi, giai đoạn này đã qua. Đồng rúp đang dần mạnh trở lại", Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói trước Thượng viện ngày 25/12.
Ông này cũng nhấn mạnh tỷ lệ lãi suất sẽ giảm nếu duy trì được sự ổn định.
Hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất nước Mỹ Standard & Poor's cho biết điều này có thể khiến nước Nga suy sụp hoàn toàn vì tốc độ suy thoái nhanh chóng về “mức độ linh hoạt tiền tệ”.
Để ngăn chặn suy thoái, Nga đã bắt đầu đàm phán với các hãng xếp hạng để giải thích về hành động của chính quyền. Ông Siluanov nói rằng thâm hụt ngân sách năm sau sẽ tăng đáng kể, hơn nhiều so với mức 0,6% GDP dự kiến ban đầu.
Bảng báo giá mua vào và bán ra các đồng ngoại tệ ở một cửa hàng bán ngoại tệ tại Moscow vào chiều ngày 16/12. Theo đó, giá mua USD tại thời điểm đó là 80 rúp/USD. |
Giá trị đồng rúp đã giảm từ mức trung bình là 30-35 rúp/USD ở nửa đầu năm 2014 xuống mức 80 rúp/USD vào giữa tháng 12. Nó đã mạnh lên vài ngày gần đây với giá khoảng 52 rúp/USD ngày 25/12. Việc này nhờ sức ép của chính phủ lên các nhà xuất khẩu trong việc bán ra đồng tiền mạnh.
Nga đã theo dõi chặt chẽ tỷ giá hối đoái từ sau khi Liên Xô sụp đổ, khi siêu lạm phát đã “thổi bay” sổ tiết kiệm của họ những năm đầu thập niên 90. Ngân hàng trung ương đã phải chi mạnh tay vài tháng gần đây để chống đỡ cho đồng tiền. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm 15,7 tỷ USD sau khi chính phủ và Ngân hàng Trung ương cam kết sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng và bảo vệ đồng nội tệ.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.