Nga phản đòn châu Âu, ly khai Ukraine gài mìn gần vùng MH17 rơi
Theo Reuters, cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa Moscow và phương Tây đã bước sang chương mới trong tuần này khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắt khe hơn với Nga trước cáo buộc hỗ trợ cho phe nổi dậy tại miền đông Ukraine.
Các lệnh trừng phạt tăng cường được Mỹ và EU công bố hôm 29/7 đã giới hạn hoạt động buôn bán vũ khí và thiết bị cho ngành dầu mỏ cũng như cấm các ngân hàng nhà nước của Nga tham gia thu hút vốn đầu tư từ thị trường phương Tây.
Nga đã đưa ra đòn phản công trước lệnh trừng phạt tăng cường được Mỹ và EU công bố hôm 29/7. |
Moscow đã gọi các lệnh trừng phạt trên là “tiêu cực và thiển cận” đồng thời khẳng định kinh tế châu Âu và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điển hình, hôm 30/7, Nga đã cấm nhập khẩu các loạt trái cây và rau quả từ Ba Lan cũng như nhấn mạnh lệnh cấm sẽ được mở rộng tới các nước trong khối EU. Trong khi đó, các ngân hàng Nga cho biết họ sẽ tìm cách đầu tư vốn sang khu vực châu Á.
Novatek, công ty dầu khí lớn của Nga đang hợp tác với tập đoàn Total của Pháp cho biết họ đang nghiên cứu tác động của lệnh trừng phạt đối với hoạt động của các công ty liên doanh quốc tế.
Trong khi đó, tại Ukraine, các cuộc giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra gần khu vực hiện trường chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi hôm 17/7. Cả Washington và Brussels đều cho rằng thủ phạm bắn rơi MH17 là một hệ thống tên lửa do Nga cung cấp cho phe nổi dậy.
Hôm 30/7, Kiev cũng cáo buộc quân nổi dậy thân Nga tại miền đông Ukraine phong tỏa khu vực này thậm chí là cài mìn khiến các nhà điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm kịch MH17 không thể tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, lời cáo buộc quân nổi dậy đặt mìn vẫn chưa được kiểm chứng độc lập. Ukraine hiện là một thành viên tham gia hiệp ước cấm rải mìn nhưng Nga thì không.
Những lệnh trừng phạt mới của phương Tây đánh dấu lần đầu tiên Washington và Brussels thi hành các biện pháp nhắm tới toàn bộ nền kinh tế Nga sau nhiều tuần áp đặt cấm vận với một số cá nhân liên quan tới việc ủng hộ chính phủ Nga can thiệp vào tình hình tại Ukraine.
“Những hành động của Nga tại Ukraine và lệnh trừng phạt chúng tôi áp đặt sẽ khiến nền kinh tế Moscow ngày càng suy yếu. Nếu tiếp tục con đường chính trị hiện nay, Nga sẽ phải trả giá đắt”, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Washington hôm 29/7.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu nhưng ảnh hưởng tới Nga nhiều hơn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định họ sẽ hỗ trợ các ngân hàng bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mới. Ngân hàng lớn thứ hai tại Nga, VTB cho biết họ sẽ tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài thị trường Mỹ và châu Âu bằng cách sử dụng các đồng ngoại tệ khác thay vì đồng euro và đôla.
Trái lại, một ngân hàng phương Tây nhận định VTB sẽ không thể tìm được một đối tác nào cho vay từ 1,5 – 2 tỷ USD kể từ thời điểm Mỹ đưa ra thêm lệnh trừng phạt hôm 16/7. Phía VTB đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Một trong những nạn nhân đầu tiên bị ảnh hưởng kinh tế từ việc châu Âu và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt tăng cường với Nga là các nông dân trồng táo tại Ba Lan. Bởi lâu nay, hơn 1/2 sản lượng xuất khẩu táo của họ được xuất sang Nga. Moscow cũng là nhà nhập khẩu hoa quả và rau củ lớn nhất của EU. Mỗi năm, EU thu được 2 tỷ euro từ việc xuất khẩu rau củ quả sang Nga.
Phía Nga tuyên bố họ cấm nhập khẩu phần lớn các loại rau củ quả từ Ba Lan do lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm chứ không xuất phát từ việc phản đòn lệnh trừng phạt của EU.