Nga – NATO gặp gỡ giải quyết khủng hoảng Ukraine
Nhà lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen. |
"Sẽ có một cuộc họp Hội đồng Nga-NATO (NRC) ở cấp đại sứ. Chúng tôi đang mong muốn có thể diễn ra vào buổi chiều", một phát ngôn viên NATO cho biết. Nhà lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen đã đề nghị cuộc họp này vào hôm thứ Hai.
NRC là diễn đàn chính thức để thảo luận và giữ liên hệ giữa NATO và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Đây là một hoạt động khá thường xuyên, chủ yếu diễn ra thông qua các cuộc họp liên minh các bộ trưởng ngoại giao.
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong những năm 1990, Nga thiết lập quan hệ với NATO và có một loạt các hoạt động có liên kết với nhóm này, cụ thể là hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan.
Tuy nhiên, mối quan hệ này hiện đang căng thẳng nặng nề do cuộc khủng hoảng Ukraine và sự can thiệp của Nga tại khu tự trị Crimea, nơi có rất đông kiều dân Nga và cũng là nơi Hạm đội Biển Đen của nước này đóng quân.
Hôm thứ Ba (4/3), 28 đại sứ thành viên NATO đã gặp nhau để thảo luận tình hình sau khi Ba Lan yêu cầu tham vấn "Điều 4" với các đồng minh của mình, với lý do có một mối đe dọa đối với an ninh của nước này.
Cuộc họp này đã được triệu tập vì "sự phát triển trong và xung quanh Ukraine được xem là mối đe dọa cho các nước đồng minh láng giềng và có tác động trực tiếp, nghiêm trọng tới an ninh và ổn định của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”, ông Rasmussen cho biết.
AFP trích dẫn một tuyên bố của khối hiệp ước an ninh này cho biết, “Theo Điều 4 của hiệp ước, các đồng minh có quyền yêu cầu tham vấn bất cứ lúc nào, theo ý kiến của bất kỳ ai khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của họ bị đe dọa".
Ông Rasmussen cho biết cuộc họp hôm thứ Ba đã đồng ý rằng "Nga tiếp tục vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và không thực hiện cam kết quốc tế của mình".
"Những chuyển biến hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", ông nói thêm.
Kết thúc cuộc họp, các đồng minh NATO đã đồng ý "tăng cường đánh giá chặt chẽ và liên tục của chúng ta về những tác động của cuộc khủng hoảng này tới Liên minh an ninh".
Các nhà ngoại giao cho biết không có cuộc thảo luận bất kỳ nào về kế hoạch hoạt động quân sự. Cuộc họp tập trung vào sự cần thiết phải xem xét lại tình hình một cách thường xuyên và giữ cho các nước thành viên được thông báo đầy đủ.
NATO khá hiếm khi thực hiện Điều 4. Tuy nhiên, vào gần đây nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu được tham vấn do lo ngại một sự lan toả từ cuộc xung đột đẫm máu ở Syria.