Nga – NATO đang xích lại gần nhau?
Hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, vào cuối tháng Tư tới, Hội đồng Nga - NATO (NRC) sẽ được triệu tập sau gần hai năm dừng hoạt động khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014.
Xích lại gần nhau
Trong cuộc gặp này, ngoài việc bày tỏ những lo ngại về việc thực hiện Hiệp định ngừng bắn Minsk ở miền đông Ukraine, ông Stoltenberg dự kiến sẽ thảo luận cả những "mối đe dọa khủng bố trong khu vực".
Ông Cor Snijders, đồng sáng lập của công ty tư vấn an ninh Lowlands Solutions có trụ sở tại Hà Lan, cho hay, cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO có thể sẽ làm tan “băng” mối quan hệ Nga-Mỹ.
Một lính Mỹ ở Cộng hòa Séc. |
Ông Snijders nói: "Mục tiêu và mong muốn chủ yếu liên quan đến cuộc họp của NRC vào cuối tháng 4/2016 là cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ, thành viên nổi bật nhất của NATO, và Nga”.
Ông nói thêm: "Động thái tốt đẹp trên sẽ giúp tránh những sự cố quân sự trong tương lai giữa hai đối tượng sở hữu vũ khí hạt nhân, ví dụ, trong các vấn đề ở Syria hoặc Đông Âu".
Ông Snijders nhận định, việc triệu tập lại Hội đồng Nga - NATO, sau hai năm dừng hoạt động, có thể được xem là một bước tiến xích lại gần nhau giữa hai bên.
Hội đồng Nga - NATO được thành lập vào năm 2002 để thảo luận về các vấn đề an ninh giữa Nga và NATO, nên theo ông Snijders, các mối đe dọa hiện tại từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự sắp tới.
NATO cần Nga
Mặc dù, sau khi Nga sáp nhập Crimea, châu Âu đã xem Moscow là một trong những mối đe dọa an ninh hàng đầu, nhưng những sự kiện gần đây đã khiến khu vực này phải chuyển hướng. Thay vì hoàn toàn đối đầu, châu Âu đang cần sự giúp đỡ của Nga.
Hàng loạt cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu như ở Paris và Brussels có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã gia tăng áp lực về an ninh trong nội bộ các quốc gia EU. Giờ đây, các quốc gia châu Âu đang tìm cách thắt chặt an ninh để ngăn khủng bố cũng như tấn công khủng bố.
Hơn nữa, cuộc xung đột tại Syria cũng góp phần gia tăng làn sóng di cư sang châu Âu. Đây cũng là một thách thức nghiêm trọng, gây nhiều tranh cãi trong nội bộ EU.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. |
Trong khi đó, Nga vẫn tích cực thực hiện các chính sách đối ngoại ở những khu vực mà EU đang lúng túng.
Ví dụ, Nga đã bước đầu đàm phán về một lệnh ngừng bắn dù mong manh trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Ngoài ra, Moscow cũng đã làm trung gian cho một lệnh "đình chiến" ở Syria và hỗ trợ các lực lượng chính phủ Syria chiếm lại được thành phố lịch sử Palmyra, có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, từ IS.
Hôm 10/4, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, phiên họp của Hội đồng Nga – NATO diễn ra sau khi Moscow và Washington đồng ý "tăng cường hợp tác Nga-Mỹ vì lợi ích của một lệnh ngừng bắn lâu dài" ở Syria.
Theo ông Snijders, tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng này, NATO và Nga sẽ bàn luận về việc xây dựng một kế hoạch thống nhất hay một "cuộc tấn công tập thể" nhằm vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố trong nội bộ các nước.
Sườn phía đông NATO vẫn "nóng"
Tuy nhiên, dù cuộc họp Hội đồng Nga - NATO báo hiệu một bước tiến trong quan hệ an ninh giữa châu Âu với Moscow, nhưng điều đó không ngăn được các nước thành viên NATO triển khai thêm quân tới biên giới phía đông.
Sau cuộc họp hồi đầu tháng này với ông Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định sẽ yêu cầu ngân sách 3,4 tỷ USD để triển khai thêm một lữ đoàn quân đội Mỹ ở Đông Âu.
Trong khi đó, hôm 11/4, đài truyền hình Đức Deutschlandfunk đưa tin, 5.000 binh sĩ Đức sẽ tham gia tập trận cùng NATO trong năm nay, tăng 500 binh sĩ so với năm 2015.
Với những động thái trên của NATO, ông Snijders khẳng định, chắc chắn hai bên vẫn khó thống nhất về việc thực hiện Hiệp định Minsk ở Ukraine và việc NATO gia tăng lực lượng ở sườn phía đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang tin DW của Đài truyền hình quốc tế DW (Đức), chuyên đưa các tin và bài phân tích về các nền văn hóa và con người trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc.