Nga nâng cấp oanh tạc cơ Tu-22M3 với tên lửa siêu thanh lợi hại
“Phi cơ Tu-22M3 đầu tiên sẽ cất cánh vào năm 2018”, giám đốc điều hành hãng Tupolev Alexander Konyukhov trả lời hãng thông tấn TASS. “Cũng trong năm tới, quá trình hiện đại hóa các máy bay đang được sử dụng sẽ được bắt đầu theo lộ trình được nêu ra trong chương trình quân trang mới của Nga”.
![]() |
Dàn máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga. |
Tu-22M3 là một phiên bản cải tiến của máy bay Tu-22, được đưa vào sử dụng vào năm 1983 khi Chiến tranh Lạnh vẫn còn căng thẳng. Mặc dù thiết bị trên máy bay Tu-22M3 đã được thay mới nhiều lần, song quá trình nâng cấp sắp tới sẽ đánh dấu sự cải tổ toàn diện đối với loại máy bay này.
Bên cạnh việc gia cố thân máy bay, Tu-22M3 sẽ được trang bị thiết bị định vị mục tiêu thả bom mới mang tên SVP-24-22, radar NV-45, thiết kế buồng lái cũng được thay đổi. Thêm vào đó, Nga cũng có ý định thay thế động cơ NK-25 của máy bay bằng loại động cơ mới và hiệu suất cao hơn là NK-32-02.
“Máy bay Tu-22M3 sẽ được lắp đặt một hệ thống buồng lái hoàn toàn mới tương tự như các máy bay ném bom Tu-160M2 hiện nay”, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.
Ông Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu quân sự Nga bày tỏ nghi ngờ đối với một số khía cạnh của chương trình nâng cấp trên. Ông cho rằng việc lắp đặt động cơ mới sẽ cần một quá trình cơ khí phức tạp. “Tôi khá quan ngại trước việc động cơ NK-32-02 được lắp đặt lên Tu-22M3”, ông Kofman nói.
Hơn nữa, Tu-22M3 sẽ được trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh X-32, một phiên bản được cải tiến của tên lửa X-22. Tên lửa khổng lồ có trọng lượng gần 5.900 kg và có thể đạt tốc độ Mach 4.5, có tầm bắn vào khoảng gần 1.000 km. Nó có thể được lắp đặt một đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân nếu cần. Mỗi máy bay Tu-22M3 có thể mang theo 3 loại tên lửa này.
Tuy nhiên, mặc dù việc sử dụng tên lửa X-32 trên Tu-22M3 sẽ mang lại khả năng chiến đấu lợi hại cho máy bay, song nhiều chuyên gia tin rằng việc xác định mục tiêu cho tên lửa vẫn là một vấn đề lớn.
X-32 sử dụng hệ thống định hướng bằng quán tính cũng như thiết bị GPS và radar để tấn công mục tiêu ở xa, song không có thiết bị cảm biến nào trên Tu-22M3 có tầm hoạt động gần 1.000 km. Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ làm cách nào để khắc phục vấn đề này.