Nga nâng cấp hệ thống phòng không Syria, chặn đòn tấn công từ phương Tây
“Chúng tôi đang giúp đối tác Syria khôi phục, hiện đại hóa và tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống phòng không. Còn nhiều chuyện chưa hoàn thành do mọi thứ dường như đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng chắc chắn kết quả đạt được sẽ chứng minh năng lực”, hãng tin TASS dẫn lời ông Kinshchak trả lời phóng viên trước câu hỏi Syria làm thế nào để chống đỡ trước các đợt không kích tiềm tàng từ phương Tây.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga. |
Cuối tháng Tư, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy cho hay Syria sẽ sớm nhận được các hệ thống phòng không mới. Ngoài ra, các chuyên gia Nga sẽ hỗ trợ để quân đội Syria có thể vận hành những hệ thống này.
Dù không công bố chi tiết các hệ thống phòng không mới mà Nga dự định chuyển giao cho Syria, nhưng Tướng Rudskoi cho biết các hệ thống phòng không S-125, Osa và Kvadrat từng được quân đội Syria sử dụng cũng đã được khôi phục và hiện đại hóa dưới sự hỗ trợ từ phía Nga.
Vào cuối tháng Tám, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo khả năng phiến quân ở tỉnh Idlib có ý định triển khai các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học và sau đó đổ lỗi cho quân chính phủ Syria. Theo Nga, kế hoạch tấn công vũ khí hóa học của phiến quân Syria được dàn dựng dưới sự hỗ trợ từ cơ quan đặc nhiệm Anh. Moscow nhấn mạnh thêm, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học sẽ được xem là cái cớ để Mỹ, Anh và Pháp triển khai các đợt không kích nhằm vào cơ sở chính phủ và kinh tế của chính quyền Damascus.
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, hôm 7/9, Tổng thống 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không thể tiến tới đồng thuận về việc thiết lập thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Nếu 3 bên thông qua thỏa thuận ngừng bắn, đây sẽ là rào cản ngăn quân đội Syria tổ chức tấn công tiêu diệt lực lượng phiến quân ở Idlib.
Về phần mình, Liên Hợp Quốc lo ngại cuộc chiến ở Idlib có thể biến thành một thảm kịch nhân đạo liên quan tới hàng chục ngàn dân thường.
Trong cuộc họp tại Tehran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhất trí với tuyên bố chung rằng phương án quân sự không thể giải quyết xung đột ở Syria. Nói cách khác, chiến sự ở Syria có thể chấm dứt thông qua các cuộc đối thoại chính trị hòa bình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh, không quân Nga và Syria tiếp tục tăng cường không kích ở Idlib, hai nhà lãnh đạo Nga và Iran đã không thể đồng tình với ý tưởng của Tổng thống Erdogan về việc thi hành thỏa thuận ngừng bắn ở Syria trong thời điểm hiện tại.
Cụ thể, Tổng thống Putin cho rằng thỏa thuận ngừng bắn giờ chỉ là "vô nghĩa" ở Syria. Còn Tổng thống Iran nhấn mạnh Syria cần giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ ở toàn bộ khu vực bị quân khủng bố chiếm đóng.