Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hợp lực giải quyết xung đột Syria, gió đã đổi chiều?
Bà Ozer viết, “Washington từ lâu đã thay đổi lập trường của mình đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad”. Các quan chức Mỹ “đã thống nhất một thỏa thuận với Nga về việc thành lập một chính phủ mới ở Syria có sự tham gia của ông Assad từ nhiều tháng trước”. Về phần mình, Nga đồng ý ngừng tấn công các nhóm vũ trang mà Mỹ coi là lực lượng nổi dậy ôn hòa và nỗ lực thuyết phục ông Assad quay lại bàn đàm phán hòa bình.
Âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara căng thẳng với các nước phương Tây và tiến gần trở lại với Nga. |
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây nước này đã từng phản đối ông Assad tiếp tục giữ chức Tổng thống và đã hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố cực đoan để lật đổ ông này. Tuy nhiên, sau khi ông Binali Yildirim lên nhậm chức Thủ tướng, ông tuyên bố rằng Ankara sẽ tập trung xây dựng quan hệ tốt đẹp với nước ngoài. Đây là nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ với Nga và Israel.
Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 vừa qua cũng có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo bà Ozer, sự kiện này đã “khiến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, nổ ra bởi họ không hề có bất kỳ hành động hỗ trợ nào”, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ Nga và Iran.
Do đó, Ankara ngày càng xích lại gần Nga hơn và bày tỏ quan điểm ủng hộ cách làm của nước này để giải quyết khủng hoảng Syria. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng sẵn sàng hợp tác với Nga và Mỹ về vấn đề này từ nhiều tháng trước.
“Trước khi vụ việc máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi vào tháng 11/2015, Ankara và Moscow đã có cuộc hội đàm với nhau. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ sẽ hợp tác để chống lại tổ chức Mặt trận Nusra cùng các nhóm khủng bố khác trong khu vực. Làm vậy, quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria có thể sẽ xảy ra sớm hơn”, bà Ozer viết.
Trong lúc quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên tốt đẹp hơn, cả hai bên đều đã có những phát biểu ám chỉ rằng họ sẵn sàng hợp tác để cùng giải quyết vấn đề ở Syria. Một trong những điểm đáng lưu tâm đó là căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, tuy nhiên bà Ozer cho rằng hiện tại Washington đang muốn tìm cách chấm dứt xung đột ở Syria và họ buộc phải hợp tác với Ankara.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.