Nga – Mỹ "đấu nhau" ở Liên Hợp Quốc vì Triều Tiên
Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã tổ chức một cuộc họp báo cáo thông tin cùng các đồng nghiệp ở Hội đồng Bảo an về việc Triều Tiên đã phóng một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 17/7. Cuộc họp có sự tham gia của các đại diện của Nga và Trung Quốc.
Mỹ và Nga đang tranh cãi về việc nâng cao mức trừng phạt đối với Triều Tiên. |
Các quan chức ngoại giao Liên Hợp Quốc cho biết, Nga đã đề xuất rằng các chuyên gia quân sự Nga và Mỹ cần phải trao đổi thông tin về lần phóng thử nghiệm của Triều Tiên.
Cuộc họp báo cáo này diễn ra sau khi Nga gửi một bức thư ngắn cùng một lược đồ cho 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó nói rằng radar của nước này xác định loại tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng đi ngày 4/7 là loại tầm trung, không phải là loại xuyên lục địa.
Việc Nga khẳng định Triều Tiên không phóng tên lửa ICBM đã cản trở những nỗ lực của Washington nhằm áp đặt một lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Triều Tiên. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp là những thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.
Mặc dù Hội đồng Bảo an đã từng lên án hành động phóng thử tên lửa tầm trung của Triều Tiên, song Trung Quốc và Nga chỉ xem xét áp đặt trừng phạt thêm đối với Triều Tiên nếu nước này phóng tên lửa tầm xa hoặc thử nghiệm hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phát biểu rằng tên lửa được thử nghiệm là ICBM. Theo hãng tin KCNA của Triều Tiên, cùng với bom nguyên tử và bom nhiệt hạch, Triều Tiên đã có đủ vũ khí chiến lược cần thiết.
Triều Tiên đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt từ năm 2006 tới nay do tiến hành chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Mỹ đã gửi một dự thảo nghị định nhằm áp dụng trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Triều Tiên cho Trung Quốc để xem xét. Bà Haley hi vọng Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu lấy ý kiến, song một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quá trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất chậm chạp.
Thông thường, Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán về việc trừng phạt Triều Tiên trước khi hội đàm với các thành viên khác trong hội đồng. Washington sẽ liên lạc với Anh và Pháp, còn Trung Quốc sẽ trao đổi thông tin với Nga.
Bà Haley cho biết một vài phương án để trừng phạt Triều Tiên đang được xem xét bao gồm cấm xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên để nước này không tiếp tục các chương trình phát triển vũ khí, tăng cường cản trở hoạt động trên không và trên biển của Triều Tiên và trừng phạt các quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng.
Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 9/2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải mất 3 tháng mới nhất trí nâng cao mức trừng phạt.