Nga – Mỹ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, hậu quả sẽ ra sao?
Theo RT, đây là nhận định của Trung tướng nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky, CEO Trung tâm PIR của Nga.
Hôm 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho các lực lượng vũ trang ở châu Âu sử dụng những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Nga. Ông Lavrov cũng khẳng định sự hiện diện của các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Mỹ ở châu Âu là rào cản lớn trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ sẽ đặt dấu chấm hết cho nền văn minh nhân loại. (Ảnh minh họa) |
“Không ai có thể dự đoán hết mức độ nguy hiểm từ hành động của Mỹ. Quân đội Nga cũng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân và Mỹ cũng như vậy. Nhiệm vụ của các chính trị gia là cảnh báo dư luận về mức độ đe dọa từ những hành động trên”, ông Buzhinsky nói.
Cũng theo ông Buzhinsky, Mỹ vẫn tiếp tục chơi đùa với các loại vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong khi họ quên mất rằng “sẽ không còn ai tồn tại trên Trái đất” nếu những loại vũ khí này được sử dụng.
Ông Buzhinsky cảnh báo thêm, tình hình sẽ gia tăng nhanh chóng và hậu quả khủng khiếp sẽ tới nếu như một bên quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại bên còn lại.
“Nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ đáp trả”, ông Buzhinsky nhấn mạnh.
“Nếu các lực lượng chiến lược Nga – Mỹ hành động, điều này có nghĩa hàng trăm megaton đầu đạn hạt nhân rơi xuống lãnh thổ Nga – Mỹ. Nga nằm ở mảng Á – Âu do đó về mặt kiến tạo địa lý, Nga có ưu thế hơn. Còn đối với lục địa Bắc Mỹ, chắc chắn khu vực này sẽ bị nứt gãy dưới tác động từ các đợt phản công hạt nhân của Nga. Đây sẽ là dấu chấm hết cho nền văn minh nhân loại. Điều này không còn gì để nghi ngờ”, Trung tướng nghỉ hưu Buzhinsky nhận định.
Ông Buzhinsky nói thêm Nga sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu Mỹ sử dụng kho vũ khí hạt nhân để chống lại Moscow.
“Lực lượng vũ trang Nga đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Tổng thống Putin đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này và mọi người cũng đã biết”, ông Buzhinsky nói.
Hiện nay, khoảng 200 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ có mặt ở Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia châu Âu khác. Đây là một phần trong chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO.
Mosocw xem sự hiện diện của các loại vũ khí hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tới châu Âu là mối đe dọa an ninh quốc gia.