Nga lo ngại nghị định Liên Hợp Quốc đang thành “ô dù” cho quân khủng bố Syria
Ông Lavrov bày tỏ quan ngại nghị quyết Liên Hợp Quốc trên có thể sẽ nhằm vu khống Damascus và bảo vệ phiến quân khủng bố. Dù vậy, ông cũng nói thêm rằng Nga vẫn sẽ xem xét để chấp thuận nghị quyết này.
Khu vực Đông Ghouta (Syria) bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. |
“Dự thảo nghị quyết mà chúng tôi được khuyên là phải thông qua, chúng tôi sẵn sàng xem xét nó”, ông Lavrov nói. Nội dung của nghị quyết nói về việc áp dụng một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria để các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và y tế được tiến hành. Nghị quyết này được đại sứ các nước Thụy Điển và Kuwait đề xuất.
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn này nhất quyết không được làm lợi cho các phần tử khủng bố thuộc IS và Mặt trận Nusra, cũng như các nhóm vũ trang đang hợp lực với hai tổ chức này và tấn công khu dân cư tại thủ đô Damascus. Ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích phương Tây dường như sẽ không ngăn chặn các phần tử khủng bố.
“Đáng tiếc là các đối tác phương Tây không có ý định ngăn các tổ chức khủng bố hưởng lợi từ lệnh ngừng bắn này, điều này đã làm dấy lên những nghi vấn nhất định”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga cho biết quân đội Nga đang hoạt động tại Syria đã đề nghị quân nổi dậy phải rời khỏi Đông Ghouta trong hòa bình, giống như họ đã từng làm sau khi thất thủ ở Aleppo.
“Vài ngày trước, quân đội Nga đã đề nghị quân nổi dậy phỉa rời Đông Ghouta trong hòa bình, giống như các binh lính nổi dậy đã sơ tán cùng gia đình mình khỏi Đông Aleppo. Tuy nhiên, Mặt trận Nusra và các nhóm vũ trang thân cận với chúng đã từ chối thẳng thừng đề nghị này”, ông nói.
“Chúng tôi muốn các bên phải xem xét kỹ càng tình hình ở Đông Ghouta cũng như các khu vực lân cận. Nếu quan điểm của chúng tôi bị bỏ qua thêm một lần nữa, chúng tôi buộc phải tin rằng những người soạn thảo dự thảo nghị quyết này muốn đổ hết trách nhiệm lên chính quyền Damascus và tiếp tay cho các tổ chức khủng bố”, ông Lavrov tuyên bố.
Đông Ghouta là một trong số 4 khu vực không giao tranh được thiết lập sau các cuộc đàm phán Astana về việc giải quyết xung đột Syria. Ba nước là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia đóng vai trò giám sát lệnh ngừng bắn, được áp dụng cho tất cả các bên tham chiến ngoại trừ các tổ chức khủng bố.
Theo Liên Hợp Quốc, gần 400.000 người đã bị quân chính phủ bao vây tại Đông Ghouta, trong khi phía Nga phủ nhận thông tin này và nói rằng thủ đô Damascus đã bị các lực lượng khủng bố ở Đông Ghouta tấn công.