Nga kiên quyết “dứt tình” với tàu chiến Mistral?
Tàu sân bay lớp Mistral-gây căng thẳng trong quan hệ Nga-Pháp trong nhiều tháng qua |
"Nga sẽ không giữ chúng (Mistral), bây giờ chỉ thảo luận một vấn đề - số tiền mà Pháp phải bồi hoàn cho Nga vì vi phạm hợp đồng cung cấp 2 tàu chở trực thăng lớp Mistral", ông Oleg Bochkarev nói.
Cũng theo ông Oleg Bochkarev, Nga đã lên kế hoạch xây dựng tàu sân bay đổ bộ giống như Mistral của Pháp nhưng khác loại. Sao chép tàu sân bay Mistral, ngành công nghiệp đóng tàu trong nước sẽ không làm điều đó.
Trước đó, ngày 21/5, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải của Pháp, đại biểu Quốc hội, Thierry Mariani cho rằng tàu sân bay Mistral mà Moscow đặt mua, có thể sẽ được bán lại cho Liên minh châu Âu. Đây là cách để giải quyết tình hình “tốt nhất” hiện nay.
Theo ông Thierry Mariani, những tàu Mistral này có thể được sử dụng để giải cứu những người di cư ở Địa Trung Hải (người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi đến châu Âu trên các con tàu quá đông, thường bị nạn).
Ngày 15/5, Pháp đã gửi tới Nga đề nghị chấm dứt hợp đồng cung cấp hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral. Trong đó, Pháp đưa ra đề nghị trả lại cho Nga số tiền 785 triệu euro đặt cọc, và đề nghị Moscow cho phép Paris bán 2 tàu cho bên thứ ba mà không có bất kỳ điều kiện khác nào.
Ngoài ra, Pháp cũng đề nghị Nga chia sẻ rủi ro và chi phí liên quan đến việc tháo dỡ các thiết bị của Nga cung cấp cho họ trong quá trình xây dựng tàu. Moscow đã không chấp nhận lời đề nghị này của Paris.
Phía Nga yêu cầu Pháp hoàn trả số tiền đặt cọc tương ứng là 892.2 triệu euro. Ngoài ra, Pháp còn phải trả tiền mà Nga đã chi cho việc đào tạo kíp vận hành tàu sân bay Mistral (400 thủy thủ), tiền mà Nga đã bỏ ra để xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu sân bay ở Vladivostok và tiền cho các công việc chế tạo các trực thăng tuần tra Ka-52k (loại trực thăng Nga dự định bố trí trên tàu Mistral).
Hơn nữa, Moscow yêu cầu việc tháo dỡ các thiệt bị của Nga trên tàu hoàn toàn phải do phía Pháp thực hiện.
Hợp đồng cung cấp hai hàng không mẫu hạm lớp Mistral cho Nga được công ty của Pháp DCNS/STX và Rosoboronexport của Nga ký năm 2011, trị giá 1,2 tỷ euro.
Theo điều kiện hợp đồng, chiếc tàu đầu tiên mang tên Vladivostok phải được Pháp bàn giao vào năm 2014, chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao trong năm 2015. Song, điều này đã không xảy ra liên quan đến khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.