Nga: Khủng bố Syria được nhận vũ khí, tài trợ từ nước ngoài
Nói về cuộc chiến ở Syria, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Valery Gerasimov cho biết: “Hãy nhìn vào Syria như một ví dụ. Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự giúp đỡ chính phủ Syria, đất nước này đã phải đấu tranh để có thể tồn tại. Không ai có thể nói chắc rằng từ khi nào xung đột nội bộ ở Syria bùng nổ thành một cuộc chiến tranh”.
Phần tử khủng bố IS đã từng làm mưa làm gió tại Syria. |
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các đơn vị quân sự khác đã góp phần khiến các phần tử khủng bố được an toàn ở phía Tây Syria.
Từ lâu Mỹ đã nhiều lần bị cáo buộc hỗ trợ cho các lực lượng khủng bố tại Syria, sau khi xuất hiện tại nước này mà không có sự cho phép của chính phủ Syria. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại quốc gia này theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cuộc chiến chống lại các phần tử IS đã diễn ra theo chiều hướng tích cực.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 5.000 binh lính nổi dậy và người thân của họ đã được đưa đi khỏi thành phố Harasta, thuộc Đông Ghouta (Syria) để đến tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc đất nước. “Đã có 4.979 binh lính và thành viên gia đình họ đã rời khỏi Harasta để đến Idlib”, một tuyên bố của bộ này cho biết.
Cũng theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, một hành lang nhân đạo mới đã được thiết lập tại Đông Ghouta vào ngày 24/3 gần thị trấn Irbin để thêm nhiều binh lính nổi dậy và người thân của họ có thể rời thành phố.
Tình hình ở Đông Ghouta đã trở nên căng thẳng trong những tháng vừa qua do giao tranh căng thẳng giữa quân chính phủ và các nhóm khủng bố. Chính phủ Syria cho biết, động thái tập kích của họ là nhằm đáp trả các lực lượng khủng bố ở Đông Ghouta đã dùng súng cối tấn công thủ đô Damascus, song các nước phương Tây cáo buộc chính phủ Syria và Nga đã làm căng thẳng trong khu vực leo thang.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp dụng Nghị quyết 2401 nhằm kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Syria ngừng giao tranh và ngừng bắn trong vòng ít nhất 30 ngày để các tổ chức nhân đạo có thể cung cấp hàng cứu trợ cho người dân, cũng như cung cấp thuốc men cho những người bị thương.
Ngay sau khi Nghị quyết trên được áp dụng, Nga tuyên bố sẽ đảm bảo mỗi ngày sẽ có ít nhất 5 tiếng đình chiến tại Đông Ghouta để ngăn thiệt hại về người trong khu vực tăng lên và cho phép họ sơ tán an toàn.