Nga "gật đầu" để Ấn Độ bán tên lửa cho Philippines ngăn chặn TQ ở Biển Đông?
Theo Sputnik, trong một động thái nhằm thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ sang các nước Đông Á, Nga nhấn mạnh rằng dù Moscow và Bắc Kinh đang có mối quan hệ đối tác chiến lượcnhưng mối quan hệ này không liên quan tới hoạt động xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được mệnh danh là “hủy diệt nhất trên thế giới” sang bất cứ quốc gia nào.
Tên lửaBrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ấn Độ. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, các nguồn tin ngoại giao ở Delhi cho hay Nga đã chấp thuận “về cơ bản” để Ấn Độ xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos sang các nước bao gồm Philippines.
Trong khi đó, Philippines là một trong những quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 3,5 ngàn tỉ USD/năm.
Song lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm căng thẳng khu vực không ngừng gia tăng.
Về phần mình, Manila bày tỏ hy vọng có thể kết thúc quá trình đàm phán với New Delhi để mua hệ thống tên lửa siêu thanh BrahMos vào năm 2020. Bởi đối với quân đội Philippines, tên lửa BrahMos sẽ là “vũ khí đầu tiên có năng lực ngăn chặn”.
Hôm 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã ra tuyên bố về việc Manila có ý định đặt mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ vào năm 2020. Đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự của Philippines.
"Ít nhất 14 quốc gia đang bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, nhưng các ngài phải nói chuyện để Bộ Quốc phòng Nga hiểu chính xác về tình hình đàm phán đang diễn ra”, ông Roman Babushkin, một quan chức thuộc đại sứ quán Nga tại thủ đô New Delhi chia sẻ.
Tuyên bố của ông Babushkin được đưa ra trong bối cảnh quân đội Philippines công khai tiết lộ Manila đang trong quá trình đàm phán mua hai tổ hợp tên lửa BrahMos. Trong đó, tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác và phát triển giữa Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroyenia của Nga..
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng cho biết việc ký kết hợp đồng mua bán tên lửa BrahMos giữa Ấn Độ và Philippines có thể diễn ra vào năm 2020 mà khả năng là vào quý I hoặc quý II năm 2020. Ngoài ra, Philippines dường như chắc chắn mua hai tổ hợp tên lửa BrahMos của Ấn Độ và đây là hợp đồng ký kết giữa hai chính phủ.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines từng nhiều lần rơi vào sóng gió do những bất đồng liên quan tới vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines vào năm 2016, Manila liên tục có những nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với chính quyền Bắc Kinh và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Thậm chí, Philippines đã nhận được số tiền hơn 45 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc, sau khi chính quyền Manila phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2016 phủ nhận những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Liên quan tới tên lửa BrahMos, hôm 17/12, không quân Ấn Độ tuyên bố vụ phóng thử lần thứ ba BrahMos-A, một phiên bản tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ trên không do Nga - Ấn cùng sản xuất, đã diễn ra thành công.
Trong vụ thử nghiệm hôm 17/12, tên lửa BrahMos-A được phóng từ tiêm kích Sukhoi-30MKI hoạt động ngoài khơi bờ biển Odisha và đã đánh trúng chính xác mục tiêu trên biển.
Trước đó, tên lửa BrahMos-A được thử nghiệm 2 lần vào năm 2017 và tháng 5/2019. Đáng nói, vụ phóng lần thứ ba chính thức xác nhận tên lửa siêu thanh BrahMos-A tích hợp hoạt động hoàn toàn với tiêm kích Sukhoi-30MKI. Tên lửa BrahMos-A được cho sẽ hoạt động đầy đủ chức năng trước thời điểm cuối năm nay.
Ngoài ra, Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) cũng đã cho thử nghiệm một phiên bản tên lửa BrahMos phóng từ mặt đất.